Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần (24/6), thị trường hàng hóa thế giới có sự phân hóa rõ rệt ở các nhóm mặt hàng quan trọng. Đà tăng trên thị trường năng lượng và nông sản đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index đảo chiều tăng 0,21% lên 2283 điểm.
Ngoại trừ mức sụt giảm hơn 11% của ca cao, toàn bộ 8 mặt hàng còn lại trong nhóm nguyên liệu công nghiệp đồng loạt tăng giá. Đóng cửa, giá bông bật tăng 4,55%, từ mức thấp nhất gần 2 năm. Đồng thời, giá cà phê Arabica tăng vọt 5%, lên mức cao nhất trong 2 tháng, cùng giá cà phê Robusta tăng 3,61%, chạm mức cao nhất 3 tuần.
MXV cho biết, hai mặt hàng cà phê ghi nhận tín hiệu hồi phục mạnh trong ngày hôm qua nhờ lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung tại các nước sản xuất chính.
Tại nước ta, sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 có thể giảm 10-16% sau khi cây trồng trải qua đợt nắng nóng trong 3 tháng qua. Sản lượng vụ mới khả năng cao sẽ là mức thấp nhất trong vòng 13 năm.
Cùng với đó, lượng cà phê xuất khẩu từ Việt Nam cũng giảm dần do tình trạng khan hàng đã xảy ra sớm. Thống kê từ Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 6, nước ta xuất đi 39.696 tấn cà phê, giảm lần lượt 4,95% và 46,50% so với cùng kỳ năm tháng trước và năm 2023.
Tại Brazil, trong 10 ngày tới, một đợt không khí lạnh dự kiến sẽ tràn xuống khu vực phía Nam và Đông Nam nước này đã làm gia tăng cảnh báo về sương giá xuất hiện tại các vùng trồng cà phê chính.
Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD đã thúc đẩy tâm lý hạn chế bán cà phê của nông dân Brazil. Điều này góp phần hỗ trợ giá cà phê bật tăng
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay 25/6, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng 3.000 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 123.000 – 124.400 đồng/kg.
Theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV)