Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (10/10) với diễn biến giá giằng co khi nhiều mặt hàng chỉ biến động nhẹ quanh mức tham chiếu. Sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, tuy nhiên, lực bán chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index quay đầu giảm nhẹ 0,36% xuống 2.210 điểm. Như vậy, chỉ số này không thể duy trì đà tăng của hai ngày liên tiếp trước đó. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt 3.400 tỷ đồng.
Kết thúc ngày giao dịch 10/10, giá bông dẫn dắt đà suy yếu của nhóm nguyên liệu công nghiệp khi để mắt gần 2% giá trị so với tham chiếu.
Theo giới quan sát, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến quốc gia tỷ dân tìm kiếm các nguồn cung bông thay thế từ Brazil và Úc. Đồng thời, đồng USD đang ở mức cao cũng khiến giá bông Mỹ còn đắt đỏ đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí nắm giữ lớn cũng góp phần khiến nhu cầu về mặt hàng nắm ảm đạm.
Cùng với đó, giá dầu cọ quay trở lại xu hướng giảm trong phiên hôm qua với mức giảm 1,01%, sau khi Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOB) công bố báo cáo tháng này.
Theo đó, tồn kho dầu cọ cuối tháng 9 của Malaysia đạt 2,31 triệu tấn, tăng 9,6% so với một tháng trước. Đây cũng là mức tồn kho cao nhất trong vòng 11 tháng của nước này, trong bối cảnh sản lượng tăng trong khi xuất khẩu giảm.
Cùng chung xu hướng, giá hai mặt hàng đường quay đầu suy yếu sau 4 phiên tăng liên tiếp, đóng cửa giá đường 11 giảm 0,48% và giá đường trắng giảm 0,19% so với tham chiếu. Sản lượng đường tăng mạnh tại Brazil xoa dịu lo lắng về nguồn cung thấp từ các quốc gia Châu Á.
Cụ thể, Brazil đã sản xuất 3,36 triệu tấn đường trong nửa cuối tháng 9, vượt kỳ vọng mức 3,22 triệu tấn của thị trường và tăng gần gấp đôi số lượng được thấy vào thời điểm này một năm trước.
Ở chiều ngược lại, giá Arabica tăng gần 1% so với tham chiếu sau khi đồng tiền nội địa của Brazil mạnh lên, làm hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân nước này.
Dù chỉ số Dollar Index chỉ mất 0,24% trong phiên hôm qua, nhưng việc đồng Real nội tệ của Brazil mạnh lên đã đẩy tỷ giá USD/Brazil Real giảm mạnh 1,63%. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp đã thúc đẩy nông dân Brazil hạn chế hơn trong việc bán cà phê, do thu về ít nội tệ hơn.
Khép lại ngày giao dịch 10/10, giá dầu suy yếu bởi tâm lý thị trường đã dần ổn định, triển vọng nguồn cung tích cực lấn át rủi ro chính trị. Giá dầu WTI chấm dứt đà tăng hai phiên liên tiếp với mức giảm 0,47% xuống 85,97 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 0,57% xuống 87,65 USD/thùng.
Thị trường dầu toàn cầu đang đối mặt với rủi ro chính trị từ tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông. Tuy nhiên, theo đánh giá từ một số chuyên gia ảnh hưởng khó nặng nề như trong quá khứ khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã có nguồn dự trữ và năng lực sản xuất dồi dào.
Cụ thể, theo cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhóm OPEC, chủ yếu là Saudi Arabia và UAE, có tới hơn 4 triệu thùng/ngày công suất nhàn rỗi trong năm 2023 và năm 2024, chiếm khoảng 4% nguồn cung toàn cầu.
Con số này gần gấp đôi mức dự phòng mà nhóm nắm giữ trong các cuộc khủng hoảng khu vực khác. Điển hình là khi nhà máy lọc dầu Abqaiq của Saudi Arabia bị Iran ném bom vào năm 2019, hoặc khi các phiến quân Nhà nước Hồi giáo chiếm được những vùng đất rộng lớn ở Iraq vào năm 2014.
Ngoài ra, theo khảo sát mới nhất của Platts thuộc S&P Global Commodity Insights, sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã tăng thêm 330.000 thùng/ngày lên 40,85 triệu thùng/ngày trong tháng 9, mức tăng tháng thứ hai liên tiếp. Nguyên nhân do sản lượng tăng ở Nigeria, Iran và Kazakhstan bù đắp mức cắt giảm của Saudi Arabia và Nga giúp hạ nhiệt giá dầu.
Trong khi đó, tập đoàn năng lượng nhà nước Saudi Arabia, Saudi Aramco mới đây đã thông báo tới ít nhất 4 khách hàng ở Bắc Á về việc sẽ cung cấp đầy đủ khối lượng dầu thô theo hợp đồng vào tháng 11, bất chấp việc quốc gia này duy trì chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện.
Về phía nguồn cung từ Nga, xuất khẩu dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cực thấp (ULSD) từ cảng Primorsk của Nga trên Biển Baltic dự kiến sẽ tăng trong tháng 10 lên 0,7 triệu tấn từ 0,21 triệu tấn theo kế hoạch trước đó.