Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu toàn cầu đã chứng kiến một sức mua mạnh mẽ áp đảo trong ngày hôm qua (24/7), đẩy chỉ số MXV-Index tăng 2,23% lên 2.337 điểm. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp chỉ số này tăng và đạt mức cao nhất trong hơn 3 tháng. Giá trị giao dịch trên toàn Sở gần đạt 3.600 tỷ đồng.
Các nhóm mặt hàng đồng loạt kết thúc phiên giao dịch với màu xanh. Nhóm nông sản tiếp tục là nhóm dẫn đầu xu hướng tăng giá với nhiều mặt hàng ghi nhận mức tăng vọt. Bên cạnh đó, thị trường năng lượng, đặc biệt là các mặt hàng xăng dầu cũng đóng góp đáng kể vào đà tăng chung của chỉ số hàng hoá trong ngày hôm qua.
Sau phiên giao dịch đầu tuần, thị trường ngô và lúa mì đã trở lại với sự “dậy sóng” khi tình hình xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đang gặp nhiều thách thức hơn. Giá ngô đã tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm qua, trong khi đó, lúa mì trở thành mặt hàng dẫn dắt nhóm nông sản khi đóng cửa ở mức kịch trần, theo thông tin từ MXV. Diễn biến tăng vọt gần đây của giá nông sản cũng tương tự như giai đoạn sau xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Căng thẳng không ngừng leo thang khiến cho lo ngại về hoạt động xuất khẩu và triển vọng nguồn cung dài hạn từ khu vực Biển Đen sẽ càng khó khăn hơn. Điều này lý giải cho diễn biến tăng vọt của giá ngô và lúa mì trong phiên giao dịch gần đây, khi khu vực này chiếm 25% lượng lúa mì và 17% lượng ngô thế giới.
Ngoài ra, Cơ quan giám sát mùa vụ của Liên minh châu Âu (MARS) mới đây đã cắt giảm hầu như toàn bộ triển vọng năng suất cây trồng năm nay của khối. Thời tiết khô nóng là nguyên nhân chính khiến dự báo sản lượng ngô và lúa mì của EU bị cắt giảm. Những thông tin trên phản ánh khả năng nguồn cung ngũ cốc toàn cầu có thể bị thiệt hại nghiêm trọng so với kỳ vọng ban đầu, đây cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô và lúa mì.
Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 24/07, giá dầu thô tiếp tục đón nhận lực mua mạnh mẽ, đạt mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Điều này được giải thích bởi lo ngại thâm hụt nguồn cung và tín hiệu kinh tế tích cực từ các quốc gia tiêu thụ hàng đầu như Mỹ và Trung Quốc. Ngân hàng CitiBank dự báo mức giá trung bình trong quý III là 83 USD/thùng.
Cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế của Trung Quốc cũng củng cố thêm cho tâm lý của các nhà đầu tư về kỳ vọng tiêu thụ dầu thô và nhiên liệu của Trung Quốc trong giai đoạn cuối năm. Điều này làm gia tăng rủi ro chênh lệch cán cân cung cầu.
Thông tin về mức giá cao của loại dầu xuất khẩu hàng đầu của Nga, dầu Urals, cũng phản ánh nhu cầu cải thiện. Tín hiệu kinh tế tích cực từ Mỹ về lạm phát hạ nhiệt và thị trường lao động mạnh mẽ cũng ủng hộ cho xu hướng tăng của giá dầu. Tuy nhiên, việc Fed sớm dừng tăng lãi suất cũng là một yếu tố cần được quan tâm.