Chốt tuần giao dịch vừa qua, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục diễn biến giằng co. Đóng cửa tuần (19/1), bảng giá nông sản chìm trong sắc đỏ, trong khi giá nhiều mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp lại đi lên. Chỉ số MXV-Index hạ 0,4% xuống 2.099 điểm. Đầu tuần trước, thị trường giao dịch Mỹ nghỉ lễ Martin Luther King, giá trị giao dịch giảm mạnh nhưng ngay sau đó đã sôi động trở lại. Giá trị giao dịch trung bình vẫn ở mức hơn 4.600 tỷ đồng mỗi ngày.
Giá dầu diễn biến tương đối giằng co trong tuần giao dịch 15 – 21/1 trước các thông tin cơ bản trái chiều. Một mặt, kinh tế Trung Quốc vẫn đang trì trệ làm tăng thêm mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ. Mặt khác, căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục leo thang làm gia tăng rủi ro gián đoạn nguồn cung trong khu vực, hỗ trợ giá phục hồi.
Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 0,63% lên 73,25 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,34% lên 78,56 USD/thùng.
Giá dầu chịu nhiều sức ép trong các phiên đầu tuần khi khi thị trường phản ứng tiêu cực với loạt dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc và mối lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ ảm đạm tăng thêm. Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2023 của nước này chỉ tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo. Trong khi đó, doanh số bán lẻ tháng 12/2023 tăng trưởng chậm lại, giá nhà ở tháng 12/2023 giảm mạnh nhất trong gần 9 năm.
Tuy nhiên, lực mua dần quay trở lại thị trường khi rủi ro địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục leo thang, làm gia tăng tâm lý lo ngại nguồn cung gián đoạn trong khu vực. Mỹ đã tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng của Houthi và liệt nhóm phiến quân có trụ sở tại Yemen này vào danh sách các nhóm khủng bố. Đáng chú ý, hành động đáp trả của Pakistan đối với Iran đang báo động về sự bất ổn nghiêm trọng hơn trên khắp Trung Đông kể từ khi xung đột Israel – Hamas nổ ra vào ngày 7/10.
Trong khi đó, thời tiết lạnh khắc nghiệt và những thách thức trong vận hành vẫn đang làm gián đoạn khoảng 30% sản lượng dầu của North Dakota, bang sản xuất dầu lớn thứ ba của Mỹ. Cơ quan Quản lý Năng lượng North Dakota cho biết sản lượng dầu của bang có thể sẽ mất khoảng một tháng để phục hồi. Theo Bloomberg, sản lượng dầu trên khắp nước Mỹ đã bị cắt giảm khoảng 10 triệu thùng trong tuần này. Tổn thất tại lưu vực Permian của bang Texas và New Mexico ước tính vào khoảng 6 triệu thùng, trong khi khu vực Bakken của North Dakota ghi nhận con số gần 3,5 triệu thùng.
Báo cáo của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo về sản lượng tương lai, đã giảm 2 giàn xuống 497 giàn trong tuần kết thúc vào ngày 19/1. Ngoài ra, mới đây, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) thông báo Mỹ đã mua 3,2 triệu thùng dầu cho đợt giao hàng vào tháng 4/2024 để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR).
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên lao dốc gần 24% xuống mức thấp nhất trong hai tuần do dự trữ giảm ít hơn dự kiến và dự báo nhu cầu giảm do thời tiết ấm hơn vào cuối tháng 1. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các công ty điện lực đã rút 154 tỷ feet khối (bcfd) khí đốt ra khỏi kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 12/1, thấp hơn mức giảm 164 bcf theo dự báo của Reuters. Trong khi đó, LSEG dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 154,1 bcfd trong tuần này xuống 139,9 bcfd vào tuần tới.
Kết thúc tuần giao dịch 15 – 21/1, sắc xanh bao phủ trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá Robusta tăng mạnh 6,43%, tiến tới vùng cao nhất trong 16 năm. Lo ngại căng thẳng Biển Đỏ leo thang làm gián đoạn hoạt động cung ứng giữa các nước sản xuất và tiêu thụ Robusta hàng đầu thế giới đã đẩy giá tăng mạnh.
Trong tuần qua, tình hình xung đột trên Biển Đỏ trở nên nghiêm trọng với sự tham gia của Mỹ và Anh. Điều này khiến thị trường lo ngại chuỗi cung ứng vận chuyển giữa các quốc gia Châu Á như Việt Nam, Indonesia với các thị trường tiêu thụ hàng đầu như Mỹ và Châu Âu bị gián đoán. Khi đó, khả năng xảy ra khan hiếm nguồn cung cục bộ cao, đặc biệt khi các nước nhập khẩu khi chưa thể tìm được nguồn hàng thay thế từ các quốc gia sản xuất khác .
Giá Arabica cũng tăng 2,86% nhờ lực kéo từ giá Robusta và dữ liệu tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE bất ngờ yếu đi. Trong tuần kết thúc ngày 21/1, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã giảm 8.331 bao loại 60kg, đưa tổng số bao cà phê đã chứng nhận còn 253.108 bao. Điều này khá bất ngờ với thị trường khi dữ liệu tồn kho trước đó đã có sự hồi phục dù tốc độ còn chậm. Và sự đi xuống cũng đặt ra nghi ngờ về vấn đề nguồn cung trên thị trường ở hiện tại.
Trước đó, Cơ quan quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) dự kiến, sản lượng cà phê trong năm 2024 của Brazil đạt 58,08 triệu bao loại 60kg, tăng 5,5% so với năm 2023.
Đồng thời, Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil cho biết quốc gia Nam Mỹ này đã xuất đi 3,78 triệu bao cà phê dạng hạt, tăng 31% so với tháng 12/2022.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (22/1), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đồng loạt tăng mạnh 1.400 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 71.800 – 72.500 đồng/kg.