Thị trường hàng hoá biến động trái chiều trong ngày giao dịch 17/10. Chỉ số MXV-Index chỉ tăng nhẹ 0,03%, lên mức 2.236 điểm. Nhóm nguyên liệu công nghiệp đón nhận lực mua tương đối tích cực, đặc biệt là các mặt hàng như cao su, đường và cà phê. Trong khi đó, nhóm năng lượng ghi nhận xu hướng giá trái chiều, dầu ít lưu huỳnh giảm giá mạnh 2,6%. Giá dầu WTI và Brent tăng nhẹ trong phiên.
Các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng đánh giá nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm ngăn chặn việc lan rộng của cuộc xung đột ở Trung Đông. Trong bối cảnh nêu trên, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 tăng 0,21% lên 85,44 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 0,28% lên 89,90 USD/thùng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tới Israel vào thứ Tư ngày 18/10, sau khi Washington cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đồng ý viện trợ nhân đạo cho những người dân Gaza. Mỹ cũng đang cố gắng đoàn kết các quốc gia Arab nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh khu vực.
Phần lớn phiên, giá dầu dao động không lớn trong khi các nhà đầu tư ngóng thông tin liệu các nỗ lực ngoại giao của Mỹ có thành công trong việc ngăn chặn xung đột Israel – Hamas leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn hay không.
Đà tăng của giá dầu chỉ thực sự rõ rệt ngay sau báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) vào cuối phiên giao dịch. Cụ thể, API cho biết tồn kho dầu thương mại Mỹ giảm mạnh 4,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/10, giảm mạnh hơn nhiều so với mức dự báo giảm 300.000 thùng của giới phân tích.
Trong khi đó, tồn kho xăng giảm 1,6 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với mức dự báo giảm 1,1 triệu thùng của thị trường.
Về phía nguồn cung từ Nga, theo dữ liệu từ các thương nhân và LSEG, xuất khẩu dầu diesel và dầu mazut bằng đường biển của Nga trong 15 ngày đầu tháng 10 đã giảm 20% so với cùng kỳ tháng 9 xuống khoảng 1,1 triệu tấn, do các nhà máy lọc dầu bảo trì theo mùa. Điều này đã làm tăng áp lực thâm hụt nguồn cung, củng cố lực mua trên thị trường.
Ở một diễn biến đáng chú ý khác trong ngày giao dịch 17/10, có tới 8 trong tổng số 9 mặt hàng thuộc nhóm nguyên liệu công nghiệp tăng giá. Trong đó, giá hai mặt hàng cà phê cùng khởi sắc bất chấp dữ liệu xuất khẩu cà phê tại Brazil có nhiều tín hiệu tích cực trong nửa đầu tháng 10. Theo đó, giá Arabica tăng 1,88% sau nhịp giảm vào đầu tuần. Giá Robusta nối dài đà tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp khi đóng cửa với mức giá cao hơn 1,05% so với tham chiếu.
Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex) cho biết trong hai tuần đầu tháng 10, trung bình mỗi ngày Brazil xuất khẩu 13.300 tấn cà phê, tăng 26,4% so với trung bình cả tháng 10/2022. Sự gia tăng trong hoạt động cung cấp cà phê của Brazil đến từ sản lượng năm 2023 tăng gần 7% so với năm ngoái.
Mặc dù vậy, trong báo cáo hàng tuần của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB), giá Arabica tại quốc gia này đang dao động quanh mức 800 Real/bao, thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Giá thấp khiến nhiều nhà cung cấp lựa chọn đứng ngoài thị trường, tạm thời gây ra tâm lý hoang mang về nguồn cung.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê sáng nay ghi nhận mức tăng 400 đồng/kg, dao động trong khoảng 63.700 – 64.200 đồng/kg. Tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 63.700 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai với 64.000 đồng/kg. Cùng thời điểm, tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 64.200 đồng/kg, cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Ngoài ra, giá hai mặt hàng đường trên thế giới cũng ghi nhận mức tăng đáng kể trong phiên hôm qua. Cụ thể, giá đường 11 cao hơn 1,63% và giá đường trắng cao hơn 1,92% so với tham chiếu. Lo ngại sản lượng giảm ở cả ba quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới đã hỗ trợ giá tăng.
Trong báo cáo mới nhất, Tập đoàn công nghiệp UNICA nhận định rằng hoạt động sản xuất đường nửa đầu tháng 10 tại Brazil sẽ yếu đi do mưa. Đồng thời, lo ngại El Nino làm nguồn cung đường tại Ấn Độ và Thái Lan giảm sâu vẫn tiếp tục “đeo bám” thị trường.