Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới vừa kết tuần 8 – 12/1 với diễn biến tương đối trái chiều và giằng co. Sắc đỏ phủ kín bảng giá nông sản. Trong khi giá nhiều mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp và năng lượng lại đồng loạt tăng lên. Kết thúc tuần, chỉ số MXV-Index rơi 0,52% xuống 2.107 điểm. Tuần qua, dòng tiền đầu tư cũng dịch chuyển liên tục với giá trị giao dịch trung bình khoảng 5.200 tỷ đồng mỗi ngày, cao hơn 20% so với tuần trước.
Kết thúc tuần giao dịch 8 -14/1, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp ngập tràn trong sắc xanh. Dẫn đầu là mức tăng 5,15% của giá Robusta, duy trì ở vùng giá cao nhất trong 28 năm qua. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường do ảnh hưởng từ xung đột Biển Đỏ là yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ giá trong tuần qua.
Theo đó, căng thẳng Biển Đỏ leo thang với sự tham gia của Anh và Mỹ khiến cho lo ngại về gián đoạn vận chuyển các loại hàng hóa, trong đó có cà phê Robusta tăng lên. Trước đó, nhà phân tích Natália Gandolphi cho biết giá cước vận chuyển trên tuyến đường Thái Bình Dương đã tăng 56%. Đồng thời, chuyên gia ước tính khoảng 36% lượng cà phê vận chuyển từ các nước Châu Á như Việt Nam, Indonesia sẽ giảm trong quý 1/2024.
Điều này càng thêm lo ngại thiếu hụt nguồn cung Robusta trên thị trường khi trước đó đã có thông tin nông dân Việt Nam hạn chế bán cà phê.
Ở chiều ngược lại, Arabica là mặt hàng duy nhất mang sắc đỏ của nhóm nguyên liệu công nghiệp với mức giá giảm 1,53% so với tham chiếu. Nguồn cung dần có tín hiệu cải thiện đã gây sức ép lớn, khiến giá trái chiều với hầu hết các mặt hàng trong nhóm.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US trong tuần qua tăng thêm 8.302 bao loại 60kg, đưa tổng số bao cà phê đang lưu trữ hiện tại lên 261.446 bao, dần xa mức thấp nhất trong hơn 24 năm.
Bên cạnh đó, thị trường kỳ vọng Brazil và các quốc gia khác cũng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong bối cảnh các quốc gia thuộc Châu Á đang gặp vấn đề về vận tải. Trong tháng 12, chính phủ Brazil cho biết nước này đã xuất đi 4,06 triệu bao cà phê dạng hạt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó, Viện Cà phê Honduras (IHCAFE) cũng đưa tin quốc gia sản xuất Arabica lớn thứ 4 thế giới đã xuất khẩu 254.923 bao cà phê loại 60 kg trong tháng 12, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Với 3/5 phiên suy yếu, giá đậu tương hợp đồng tháng 3 khép lại tuần giao dịch qua với mức giảm hơn 2%, qua đó ghi nhận tuần thứ 4 liên tục suy yếu. Triển vọng nguồn cung ở các quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới đã tạo sức ép lên giá mặt hàng này. Đáng chú ý, báo cáo Cung – cầu nông sản thế giới (WASDE) do Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố vào cuối tuần trước cũng xác nhận tình hình nguồn cung gia tăng của Mỹ và củng cố lực bán.
Đối với báo cáo WASDE, sự thay đổi đáng chú ý nhất là tồn kho cuối niên vụ 23/24 của Mỹ. Con số này USDA dự báo ở mức 280 triệu giạ, cao hơn mức 245 triệu giạ trong báo cáo tháng 12 và cũng vượt qua dự đoán trung bình. Đây là kết quả của việc năng suất đậu tương Mỹ niên vụ 23/24 được nâng lên mức 50,6 giạ/mẫu, vượt ngoài khoảng dự đoán của thị trường và kéo theo sản lượng cũng tăng lên.
Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương diễn biến khá trái chiều trong tuần vừa rồi. Trước áp lực suy yếu của giá đậu tương cùng triển vọng mùa vụ khả quan ở Argentina, giá khô đậu tương hợp đồng tháng 3 giảm gần 2%, đánh dấu tuần giảm thứ 8 liên tiếp. Đà lao dốc của giá chỉ được thu hẹp phần nào trong phiên cuối tuần nhờ lực mua kỹ thuật. Trong khi đó, dầu đậu tương hợp đồng tháng 3 tăng gần 2% và kết thúc chuỗi ba tuần suy yếu liên tiếp. Sự khởi sắc của giá dầu cọ và giá dầu thô đã thúc đẩy lực mua dầu đậu.