Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), phiên giao dịch ngày 25/6 đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của giá hàng hoá nguyên liệu toàn cầu. Lực bán chiếm ưu thế ở cả 4 nhóm mặt hàng nông sản, nguyên liệu công nghiệp, kim loại và năng lượng. Điều này đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 1,1% về mức 2.258 điểm, chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5.
Giá đậu tương lao dốc trước triển vọng nguồn cung từ Argentina
Kết phiên giao dịch 25/6, giá đậu tương lao dốc 1,68% về mức 408,41 USD/tấn. Trong bối cảnh triển vọng nguồn cung từ Argentina đang tương đối khả quan, phe bán đã chiếm ưu thế áp đảo ngay từ đầu phiên. Đà giảm của giá chỉ phần nào được thu hẹp bởi sự xấu đi của tình hình mùa vụ tại Mỹ trong tuần trước.
Tại Argentina, Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario (BCR) cho biết rằng cường độ La Nina vào cuối năm nay được dự báo sẽ ôn hòa hơn trong những tháng tới, giúp nước này có thể nhận được lượng mưa nhiều hơn so với thông thường. Đây được đánh giá là một tín hiệu tích cực đối với ngành nông nghiệp Argentina, bởi nước này thường xuyên phải đối mặt với khí hậu khô nóng trong thời kỳ La Nina hoạt động. Vào năm 2022, Argentina đã hứng chịu đợt hạn hán lịch sử do ảnh hưởng của La Nina. Cuối năm là giai đoạn đậu tương ở Argentina được gieo trồng và bước vào quá trình phát triển ban đầu, do đó lượng mưa nhiều hơn sẽ nâng cao triển vọng sản lượng hạt có dầu của nước này. Đây là yếu tố đã gây áp lực lớn lên giá đậu tương trong hôm qua.
Theo dữ liệu từ báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress), tỉ lệ đậu tương đạt chất lượng tốt/tuyệt vời của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 23/06 đạt 67%, giảm 3 điểm phần trăm so với một tuần trước đó và thấp hơn mức 68% kỳ vọng của thị trường. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm chất lượng là do cây trồng đã phải trải qua điều kiện nắng nóng gay gắt trong tuần vừa rồi, trước khi mưa lũ xuất hiện vào cuối tuần khiến nhiều diện tích đậu tương bị ngập úng cục bộ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mưa lũ có thể là tín hiệu tích cực, bởi cây trồng sẽ nhận được lượng nước cần thiết cho quá trình phát triển sau thời gian dài đối mặt với nắng nóng cực đoan. Do đó, báo cáo Crop Progress hôm qua chỉ phần nào hỗ trợ thu hẹp đà giảm của giá đậu tương.
Sắc đỏ cũng bao trùm trên bảng giá hai mặt hàng thành phẩm là khô đậu và dầu đậu. Trước áp lực từ đà suy yếu của giá đậu tương, giá khô đậu ghi nhận mức giảm 1,73% sau khi đóng cửa phiên hôm qua. Bên cạnh đó, giá dầu đậu tương giảm 2,08% do áp lực từ triển vọng mùa vụ ở Argentina, nước xuất khẩu dầu đậu lớn nhất thế giới.
Trái lại với xu hướng giá thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận vào ngày hôm qua (25/6), giá chào khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta có xu hướng tăng nhẹ. Tại cảng Cái Lân, giá chào bán khô đậu tương kỳ hạn tháng 8 và 9 năm nay dao động quanh mức 12.150 – 12.200 đồng/kg. Trong khi đó, tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn, dao động quanh mức 12.000 – 12.050 đồng/kg.
Phát biểu “diều hâu” của FED gây sức ép lên nhóm kim loại
Sắc đỏ áp đảo trên bảng giá kim loại trong phiên hôm qua với 7 trong số 9 mặt hàng đồng loạt giảm giá. Áp lực vĩ mô gia tăng sau loạt phát biểu mang tính “diều hâu” của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã gây sức ép lên toàn thị trường kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc dẫn dắt đà giảm của cả nhóm khi giảm 2,23% xuống 28,87 USD/ounce, mức thấp nhất hơn một tháng. Giá bạch kim cũng giảm 1,46%, đóng cửa tại mức 999 USD/ounce.
Trong bài phát biểu hôm qua, Thống đốc FED Michelle Bowman cho rằng FED cần giữ lãi suất chính sách ổn định trong một thời gian để kiểm soát lạm phát. Bà cũng nhấn mạnh rằng FED sẵn sàng tăng chi phí đi vay nếu cần thiết. Đồng tình với quan điểm này, trước đó vào thứ Hai, Chủ tịch FED bang San Francisco Mary Daly cũng cho biết bà không ủng hộ việc cắt giảm lãi suất, ít nhất là cho đến khi các nhà hoạch định chính sách tự tin rằng lạm phát giảm bền vững về 2%.
Loạt phát biểu cứng rắn này của các quan chức đã gián tiếp làm gia tăng lo ngại FED chưa vội hạ lãi suất, kéo đồng USD tăng trong phiên hôm qua. Chỉ số Dollar Index phục hồi 0,13% lên 105,61 điểm. Chi phí đi vay tăng cao kết hợp với rủi ro lãi suất đã đẩy giá bạc và giá bạch kim đồng loạt giảm.
Đối với kim loại cơ bản, đồng USD tăng giá cũng là yếu tố gây sức ép lên giá các mặt hàng này. Trong đó, giá đồng COMEX giảm 1,34% xuống 9.650,72 USD/tấn, mức thấp nhất hơn hai tháng.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ trì trệ vẫn đang là nguyên nhân chính gây sức ép lên giá đồng. Tồn kho đồng trên Sở Giao dịch Kim loại London (LME) hiện đã vượt 172.000 tấn, mức cao nhất 6 tháng và tăng 67% so với giữa tháng 5. Tại Trung Quốc, tồn kho tại Sở Giao dịch Thượng Hải vẫn duy trì ở vùng cao nhất hai năm.
Theo dự báo của các chuyên gia, sự trầm lắng trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc có thể tiếp tục cản trở tiêu thụ đồng và các kim loại công nghiệp khác. Giá đồng dự kiến sẽ biến động trong khoảng 9.500 – 9.900 USD/tấn cho đến khi có dữ liệu kinh tế mới từ Trung Quốc.
Cùng chung diễn biến giá, giá niken LME cũng giảm gần 1% xuống 17.167 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4, do tình trạng dư thừa nguồn cung.Theo dữ liệu từ Sở LME, tồn kho niken tại đây đang ở mức 92.000 tấn, tăng 40% so với đầu năm nay.
Theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV)