Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc đỏ chiếm áp đảo trong ngày giao dịch hôm qua (15/7). Trong đó, chỉ số hàng hóa nhóm nông sản giảm mạnh nhất, đóng vai trò dẫn dắt xu hướng toàn thị trường. Thêm vào đó, toàn bộ 5 mặt hàng nhóm năng lượng giá cũng đồng loạt suy yếu. Chỉ số MXV-Index giảm tiếp 1,11% xuống 2.235 điểm.
Giá đậu tương hạ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020
Khép lại phiên giao dịch đầu tuần, hầu hết giá của mặt hàng nhóm nông sản đều suy yếu. Trong đó, giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 11 giảm gần 2,5%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Trong bối cảnh Báo cáo Cung cầu nông sản thế giới WASDE tháng 7 chỉ có tác động trung lập, triển vọng nguồn cung tốt đã gây sức ép lên thị trường trong ngày hôm qua.
Vào tuần trước, vụ mùa tại Mỹ đã được hưởng lợi nhờ tàn dư của cơn bão Beryl. Mưa đã đến với các khu vực khô hạn ở phía đông Midwest. Dự báo trong tuần này, thời tiết tại Vành đai ngô của Mỹ sẽ ôn hòa và khô ráo hơn giúp cây trồng hồi phục sau đợt nắng nóng trước đó. Công ty Công nghệ vệ tinh Maxar còn cho biết cuối tuần trước, lượng mưa ở phía bắc trung tâm Midwest là vượt quá mong đợi, hứa hẹn đem đến triển vọng tốt về năng suất cây đậu tương.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho biết khả năng ông Donald Trump có thể chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng là một yếu tố khiến giá đậu tương chịu sức ép. Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump dường như khơi lại căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Đặc biệt là khi Trung Quốc vốn là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.
Dan Basse, Chủ tịch Công ty tư vấn AgResource, cho biết việc ông Trump có cơ hội đắc cử tổng thống đang khiến các thương nhân Trung Quốc lo ngại về mức thuế nhập khẩu. Điều này có thể khiến nhu cầu đối với đậu tương từ Mỹ giảm, gây sức ép lên giá.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào ngày hôm qua (15/7), giá chào khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta cũng có xu hướng giảm so với tuần trước. Tại cảng Cái Lân, giá chào bán khô đậu tương kỳ hạn tháng 11 và 12 năm nay dao động quanh mức 11.300 – 11.400 đồng/kg. Trong khi đó, tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn, dao động quanh mức 11.150-11.250 đồng/kg.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc gây áp lực cho giá dầu
Giá dầu thế giới diễn biến giằng co trong phiên giao dịch đầu tuần sau loạt dữ liệu kém tích cực của Trung Quốc. Kết phiên, giá dầu WTI giảm 0,36% xuống mức 81,91 USD/thùng, dầu thô Brent giảm 0,21% về mức 84,85 USD/thùng.
Theo dữ liệu Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại trong quý II, với GDP chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt được kỳ vọng của thị trường là 5,1%. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất của nước này kể từ quý I/2023. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 6, giảm từ mức 5,6% của tháng 5. Sự giảm tốc của quốc gia nhập khẩu dầu thô số 1 thế giới đã tạo áp lực trên thị trường.
Thêm vào đó, sau dữ liệu nhập khẩu giảm mạnh 11% trong tháng 6, thông lượng dầu thô của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc cũng đã sụt giảm trong tháng trước. Sản lượng lọc dầu quốc gia của Trung Quốc đã giảm 3,7% trong tháng 6 so với một năm trước đó xuống 58,32 triệu tấn, tương đương khoảng 14,19 triệu thùng mỗi ngày.
Áp lực nguồn cung trên thị trường cũng được giảm bớt sau khi Nga dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu xăng để ổn định thị trường trong nước. Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak vẫn đưa ra cảnh báo sẽ tái áp đặt lệnh cấm trên nếu nguồn cung nội địa không được đảm bảo. Phó thủ tướng cũng cho biết thị trường sẽ luôn cân bằng nhờ hành động của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) trong giai đoạn sau 2024.
Ở chiều ngược lại, trong phát biểu mới nhất của mình, Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh FED không nhất thiết phải nhìn thấy lạm phát quay trở lại mức 2% mới bắt đầu hạ lãi suất. Hiện thị trường đang đặt niềm tin rất lớn vào việc FED sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9. Kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất đã hạn chế đà giảm của giá.
Nguồn: Theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV)