Kết thúc ngày giao dịch hôm qua (11/1), lực mua chiếm ưu thế và giá hàng hoá nguyên liệu diễn biến tương đối phân hoá. Sắc xanh của hàng loạt mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp và năng lượng đã đẩy chỉ số MXV-Index tăng 0,4% lên 2.105 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức trên 5.300 tỷ đồng.
Từ mức thấp nhất trong một tháng, giá Arabica đã tăng 1,6% trong ngày giao dịch hôm qua (11/1). Trong khi đó, giá Robusta lại giảm nhẹ 0,41% sau 5 phiên tăng liên tiếp trước. Dù tỷ giá USD/BRL tăng trong thời điểm cà phê giao dịch nhưng tâm lý lo ngại nông dân hạn chế bán hàng đã đẩy giá Arabica đi lên.
Chỉ số Dollar Index tăng mạnh ngay sau khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12 của Mỹ tăng 3,4%, cao hơn dự đoán 3,2% của thị trường cũng như mức 3,1% của tháng 11. Điều này góp phần đẩy tỷ giá USD/BRL tăng. Tỷ giá tăng nhưng nông dân vẫn còn tâm lý giữ hàng để chờ giá lên, khiến lực mua vẫn chiếm ưu thế và đẩy giá cao hơn.
Cước phí vận chuyển cà phê tăng do ảnh hưởng từ căng thẳng Biển Đỏ đã góp phần giữ giá Robusta không bị giảm quá mạnh trong phiên hôm qua.
Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam xuất khẩu cà phê tháng 12 tăng mạnh 74% so với tháng trước và cao hơn 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Số liệu này tích cực hơn so với ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê đưa ra vào cuối tháng trước.
Ở một diễn biến khác trên bảng giá nhóm hàng nguyên liệu công nghiệp, sau hai phiên giảm liên tiếp, giá đường 11 tăng 1,63% so với tham chiếu. Lo ngại về nguồn cung sắp tới đã hạn chế tác động từ số liệu sản lượng tích cực tại Brazil. Tập đoàn công nghiệp Unica cho biết sản lượng đường nửa cuối tháng 12 của vùng Trung Nam Brazil đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà máy kéo dài mùa nghiền trong bối cảnh thời tiết khô hạn đã thúc đẩy sản lượng tăng. Tuy vậy, Unica cho biết thêm hiện tại lượng mía không đủ cho sản xuất. Đây là tín hiệu đáng lo với nguồn cung thời gian tới.
Giá dầu biến động mạnh trong ngày giao dịch hôm qua trước hàng loạt thông tin quan trọng, từ yếu tố địa chính trị cho tới tâm điểm dữ liệu lạm phát Mỹ. Kết thúc phiên, giá lấy lại động lực tăng do biến động quanh khu vực Biển Đỏ lấn át cả yếu tố kinh tế vĩ mô và thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Cụ thể, dầu WTI tăng 0,91% lên mức 72,02 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,79% lên 77,41 USD/thùng.
Hải quân Iran hôm thứ Năm đã bắt giữ một tàu chở dầu ở Vịnh Ô-man, nơi từng là trung tâm của cuộc khủng hoảng lớn giữa Tehran và Washington. Vụ bắt giữ càng làm gia tăng căng thẳng trên các tuyến đường thủy ở Trung Đông, là nguyên nhân chính cho đà tăng của giá dầu trong phiên.
Con tàu bị bắt giữ được biết đến với cái tên Suez Rajan, đã từng vướng vào một vụ tranh chấp kéo dài một năm và khiến Bộ Tư pháp Mỹ thu giữ 1 triệu thùng dầu thô Iran trên đó.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất vào các tuyến đường vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ trong tuần này. Tháng 12/2023, thương mại toàn cầu giảm 1,3% so với tháng trước do các cuộc xung đột liên tục diễn ra.
Cũng đóng góp vào đà tăng của giá dầu, dữ liệu từ S&P Global cho biết thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) Azerbaijan đã sản xuất 480.000 thùng dầu mỗi ngày vào tháng cuối 2023, thấp hơn 204.000 thùng/ngày so với hạn ngạch theo thoả thuận vào tháng 12.
Mặc dù được hỗ trợ bởi các rủi ro địa chính trị, nhưng giá dầu cũng chịu sức ép đáng kể sau khi Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát tăng trở lại trong tháng 12. Điều này đã thu hẹp mức tăng của dầu thô vào cuối phiên.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 của Mỹ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 3,2% theo dự báo của các chuyên gia kinh tế và mức 3,1% của tháng 11/2023. Con số này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa thể vội vàng cắt giảm lãi suất như kỳ vọng của thị trường. Đồng USD tăng giá, đã gây áp lực cho dầu thô định giá bởi đồng bạc xanh.