Ngày hôm qua, ngày 26/9, dù thị trường hàng hóa nguyên liệu trên toàn cầu trải qua sự biến động giữa màu xanh và màu đỏ, tuy nhiên, áp lực bán áp đảo đã khiến chỉ số MXV-Index giảm thêm 0,11%, đạt mức 2.276 điểm – mức thấp nhất trong một tháng qua. Như vậy, trong 8 ngày giao dịch gần nhất, chỉ số hàng hóa đã giảm trong 7 ngày, cho thấy xu hướng suy yếu vẫn tiếp tục tồn tại trên thị trường hàng hóa nguyên liệu. Mặc dù vậy, nhờ tính chất giao dịch hai chiều, giá trị giao dịch trên Sở đã tăng gần 10%, đạt trên 4.000 tỷ đồng.
Giá dầu đã gặp áp lực bán trong phiên giao dịch hôm qua (26/9) do lo ngại về tác động của tăng lãi suất và rủi ro nợ công tại Mỹ. Tuy nhiên, giá dầu đã đảo chiều và tăng mạnh trong nửa cuối ngày do rủi ro từ nguồn cung dầu thắt chặt.
Cụ thể, dầu WTI đã tăng 0,79% đóng cửa ở mức 90,39 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 0,72% đóng cửa gần mốc 94 USD/thùng.
Các kho dự trữ dầu thô tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma, Mỹ, đang ở mức thấp nhất trong 14 tháng do nhu cầu lọc và xuất khẩu tăng mạnh. Tình trạng này gây lo ngại về chất lượng dầu còn lại và khả năng hoạt động tối thiểu của kho.
Sản lượng dầu tại Cushing đã giảm từ hơn 43 triệu thùng đạt mức cao nhất trong hai năm vào tháng 6 xuống còn dưới 23 triệu thùng vào ngày 15/9, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022. Các nhà giao dịch cho biết kho chứa dưới 20 triệu thùng, chiếm từ 10% đến 20% trong tổng công suất hơn 98 triệu thùng của Cushing. Con số này gần ngưỡng hoạt động tối thiểu, gây ra lo ngại về chất lượng dầu và khả năng sử dụng.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã xảy ra sau khi Saudi Arabia và Nga liên tục cắt giảm sản lượng và xuất khẩu dầu. Lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng chất lượng cao của Nga đã tạo thêm áp lực lên nguồn cung. Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga bị hạn chế do công việc bảo trì tại các cảng xuất khẩu. Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy việc dừng hoạt động 4 ngày tại kho cảng dầu Primorsk trên vùng Baltic đã làm giảm xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga xuống dưới 3 triệu thùng/ngày vào cuối tuần ngày 24/9, đây đã là tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Theo dữ liệu trung bình trong 4 tuần, lưu lượng dầu thô bằng đường biển từ Nga cũng đã giảm xuống 3,2 triệu thùng/ngày trong tuần trước, thấp hơn khoảng 640.000 thùng/ngày so với mức đỉnh từ tháng 4 đến tháng 6.
Trong khi đó, nguồn cung dầu từ Vịnh Ba Tư sẽ bị hạn chế hơn do Oman và Bahrain mở rộng công suất lọc dầu, tiêu thụ nhiều dầu thô trong khu vực để sản xuất nhiên liệu như dầu diesel cho xuất khẩu. Hai nhà máy lọc dầu mới gồm Duqm (liên doanh giữa Oman và Kuwait) và Sitra của Bahrain sẽ tăng thêm hơn 300.000 thùng/ngày từ dòng chảy xuất khẩu, trong khi các quốc gia thành viên OPEC+ đang hạn chế sản lượng. Các thông tin này đã đóng góp vào việc đẩy giá dầu tăng mạnh trở lại.
Đóng cửa ngày 26/9, diễn biến giá phân hoá khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp.
Giá hai mặt hàng đường tiếp tục suy yếu trong phiên hôm qua với mức giảm lần lượt 1,28% với đường 11 và 1,03% với đường trắng. Triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil tạm lấn át lo ngại thiếu hụt nguồn cung tại Ấn Độ và Thái Lan.
Sản lượng đường tại khu vực Trung Nam Brazil trong nửa đầu tháng 9 đạt 3,12 triệu tấn, tăng 8,54% so với cùng kỳ năm trước, tập đoàn công nghiệp UNICA cho biết. Như vậy, từ đầu niên vụ tới nay, tổng sản lượng đường của Brazil tăng 20% so với cùng kỳ lên 26,15 triệu tấn, trong khi khối lượng ép mía tăng 10,9% lên 406,64 triệu tấn.
Dầu cọ giảm nhẹ 0,84% vào phiên hôm qua, trong bối cảnh giá dầu thô và dầu thực vật suy yếu. Mặt khác, theo Refinitiv Commodities Research, xu hướng khô hạn ngày càng trầm trọng sẽ xuất hiện vào tháng 10 tại Indonesia, nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu cọ, giảm đà đi xuống của giá.
Ở chiều ngược lại, cà phê là mặt hàng điểm sáng trong ngày hôm qua. Sau 4 ngày giảm liên tiếp, giá Arabica đảo chiều tăng 1,38% chủ yếu nhờ lực mua kỹ thuật. Tương tự, giá Robusta cũng tăng 0,53%, kết thúc đà giảm 5 phiên liên tục trước đó.
Về mặt cung cầu, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US kết phiên 26/9 đạt mức 446.518 bao loại 60kg, tăng 5.665 bao so với phiên cuối tuần trước. Bên cạnh đó, dự báo thời tiết cho thấy mưa sẽ xuất hiện tại vùng trồng cà phê chính của Brazil, giúp tăng ẩm, giảm bớt nắng nóng, từ đó tạo điều kiện tốt hơn để cây cà phê phát triển.