Với nhiều lợi thế chủ quan lẫn khách quan, Việt Nam đang dần trở thành thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất nhì khu vực và thế giới.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc nước ta nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm tới.
Không riêng IMF, nhiều tổ chức tài chính trên toàn cầu cũng lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Chuyên trang thị trường tài chính Seeking Alpha mới đây cũng nhận định với tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất ở Đông Nam Á trong thập kỷ qua, Việt Nam đang tiến gần đến việc trở thành thị trường mới nổi.
Với mức tăng trưởng GDP 5,33% trong quý III, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn còn rất mạnh nhờ các khoản tiết kiệm tích lũy của các hộ gia đình.
Bên cạnh những thuận lợi về địa chính trị và việc cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam là thị trường hoạt động tốt nhất trong khu vực, chuyên trang này nhận định.
Dòng vốn FDI chính là một trong những yếu tố then chốt giúp tạo nên câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Với cạnh tranh về chi phí và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đã thu hút nhiều khoản đầu tư mới từ các công ty đa quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu, những nước đang cố tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu bên ngoài Trung Quốc.
Tương tự, Trung Quốc cũng phản ứng lại trước căng thẳng địa chính trị với phương Tây bằng cách chuyển chuỗi cung ứng sang các nước có chi phí thấp và quan hệ thương mại tốt hơn. Việt Nam lại tiếp tục là quốc gia hưởng lợi chính.
Dòng vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể trong năm qua. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2023, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án đầu tư mới tại Việt Nam. Trong khi đó, xét về đối tác đầu tư, Trung Quốc đứng thứ 2 với 2,92 tỷ USD vốn đầu tư vào thị trường Việt, tăng 94,9% so với cùng kỳ.
Mặt khác, xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam cũng ghi nhận nhiều thành tựu. Trong 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 70,23 tỷ USD và Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Chưa kể, Việt Nam đang dần chuyển mình từ trung tâm sản xuất chi phí thấp sang trung tâm sản xuất các thiết bị điện tử có giá trị cao. Làn sóng dịch chuyển dây chuyền sản xuất của những “ông lớn” như Samsung, Apple,… đang dần giúp quốc gia Đông Nam Á hiện thực hóa tham vọng của mình.
Khi dòng vốn FDI đóng vai trò là chìa khóa để mở ra cơ hội phát triển thì câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng lại là động lực giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua những “cơn gió ngược”.
Với độ tuổi trung bình là 32 cùng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia châu Á đang được hưởng lợi từ “lợi tức dân số”.
Song song với đó, động thái nới lỏng tiền tệ, kịp thời cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước không chỉ giúp thúc đẩy tiêu dùng nhiều hơn trong ngắn hạn mà còn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng vừa qua của năm 2023.
Thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức do vẫn bị chi phối bởi hoạt động giao dịch bán lẻ và thiếu sự hiện diện của các tổ hức trong nước thuộc lĩnh vực chứng khoán.
Dù vậy, cải cách lương hưu cùng với sự gia tăng của khối lượng giao dịch trung bình mỗi ngày và số tài khoản mới đã phần nào giúp cải thiện tình trạng trên, khơi thông cho dòng vốn nội địa.
Trong lúc hầu hết các nền kinh tế đều đối diện với nhiều thách thức, Việt Nam với sự bùng nổ FDI, lợi tức nhân khẩu học và chính sách tiền tệ phù hợp đã trở thành điểm sáng ở Đông Nam Á trong thời gian qua.
Theo vietnamfinance.vn