Loạt doanh nghiệp lỗ do tỷ giá tăng
Việc tỷ giá tăng đang tác động đến doanh nghiệp vay USD và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu.
Trong quý đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc lợi nhuận giảm sâu khi giá USD liên tục tăng cao.
Đáng chú ý, nhiệt điện và dầu khí là hai lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp có những khoản vay bằng USD khá lớn. Do đó, có không ít doanh nghiệp thuộc hai lĩnh vực này đã ghi nhận những khoản lỗ lớn do chênh lệch tỷ giá.
Đơn cử, trong quý I/2024, Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem) ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là gần 9,4 tỷ đồng.
Tương tự, doanh thu quý đầu năm 2024 của Tổng công ty Phát điện 3 đạt hơn 9.687,6 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Công ty này ghi nhận mức lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 636 tỷ đồng, khiến chi phí tài chính nhảy vọt từ 586 tỷ đồng lên 1.243 tỷ đồng. Sau khi trừ hết các chi phí, doanh nghiệp này bị lỗ trước thuế 652 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 621 tỷ đồng.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ghi nhận doanh thu thuần trong khi quý I/2024 giảm 16%, về mức 6.243 tỷ đồng. PV Power ghi nhận chi phí tài chính tăng 10% lên 154 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lỗ chênh lệch tỷ giá với hơn 70 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) công bố bị lỗ chênh lệch tỷ giá 452 tỷ đồng trong quý I/2024. Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá này đến từ việc đánh giá lại các khoản vay, trái phiếu và khoản mục khác có gốc ngoại tệ. Điều này đẩy chi phí tài chính của Novaland lên cao, khiến công ty bị lỗ 567 tỷ đồng dù doanh thu đạt 697 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước với mức lỗ 377 tỷ đồng.
Tập đoàn dệt may – Vinatex báo cáo lợi nhuận gộp trong quý I/2024 tăng 5% lên 345 tỷ đồng. Nhưng do tỷ giá tăng, công ty phát sinh khoản lỗ tỷ giá lớn do đánh giá lại số dư gốc vay ngoại tệ khiến lợi nhuận ròng giảm 36% xuống 36,5 tỷ đồng. Cụ thể, báo cáo cho thấy lãi chênh lệch tỷ giá của tập đoàn này giảm từ 59 tỷ xuống 44 tỷ đồng trong khi lỗ chênh lệch tỷ giá gấp đôi lên 46 tỷ đồng.
Diễn biến tương tự tại Sợi Thế Kỷ. Trong quý I/2024, doanh thu của doanh nghiệp này giảm nhẹ nhưng biên lợi nhuận gộp cải thiện, lãi gộp gấp đôi quý I/2023, lên 32,3 tỷ đồng. Song do hoạt động tài chính kém khả quan, lãi chênh lệch tỷ giá giảm 67% xuống 3,5 tỷ đồng khiến doanh thu tài chính giảm từ 15 tỷ xuống 6,1 tỷ đồng. Ngược lại, lỗ chênh lệch tỷ giá tăng khiến chi phí tài chính tăng từ 13 tỷ đồng lên 17,7 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận doanh nghiệp này chỉ còn vỏn vẹn 711 triệu đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước.
“Ông lớn” hàng không Vietnam Airlines cũng chịu rủi ro lỗ chênh lệch tỷ giá. Trong 3 tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá ngoại tệ hơn 646 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước hãng bay này báo lãi khoản mục này là 110 tỷ đồng.
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng gánh chịu thua lỗ ở khoản mục tỷ giá trong quý I/2024 là hơn 416 tỷ đồng. Nhưng Hòa Phát cũng ghi nhận khoản lãi về chênh lệch tỷ giá hơn 323,6 tỷ đồng. Tính chung cả quý I, Hòa Phát ghi nhận mức lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 92 tỷ đồng.
Doanh nghiệp làm sao để đối phó với áp lực tỷ giá?
Lý giải nguyên nhân tỷ giá tăng, nhà điều hành cho rằng do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn hạ lãi suất điều hành, đồng USD thế giới tăng và duy trì ở mức cao.
Fed mới đây công bố giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại từ 5,25 – 5,5%. Quyết định này đúng như dự báo của các nhà đầu tư trước đó nhưng vẫn khiến giá USD tại Việt Nam tăng cao trở lại.
Ngày 9/5, tỷ giá trung tâm ở mức 24.265 VND/USD, tăng thêm 16 đồng. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng neo ở mức cao.
Để mua 1 USD tại ngân hàng Vietcombank, hiện người dân phải bỏ ra 25.478 đồng. Con số này đã tăng thêm hơn 1.000 đồng, tương đương tăng 4,2% so với đầu năm.
Chênh lệch giữa xu hướng giảm lãi suất của Việt Nam và duy trì lãi suất cao của Fed đã tạo ra một khoảng cách nhất định, gây áp lực lên tỷ giá.
Ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – cho hay, thời gian qua, tỷ giá USD/VND đã liên tục tăng nóng, thậm chí tăng kịch trần trong nhiều phiên gần đây. Nguyên nhân là do đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, gây áp lực lớn lên các đồng nội tệ của nhiều nước, chứ không riêng Việt Nam. Ở trong nước, nhu cầu nhập khẩu tăng cao, đặc biệt là ở các doanh nghiệp xăng dầu, sắt thép cùng với việc nhiều doanh nghiệp tăng cường mua ngoại tệ. Điều này cũng đã góp phần đẩy tỷ giá tăng cao.
Tỷ giá tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng vì đội chi phí mua nguyên vật liệu.
Theo giới chuyên gia, Việt Nam là nước xuất khẩu song cũng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất nên nhu cầu ngoại tệ là khá lớn. Biến động của tỷ giá đang tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tỷ giá được dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước.
Để hạn chế thiệt hại từ tỷ giá, nhiều doanh nghiệp đang hướng về thị trường trong nước khi nhu cầu tiêu dùng có dấu hiệu tăng trở lại. Một số doanh nghiệp đang cố gắng đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa để thay thế nhập khẩu, tăng xuất khẩu đi các thị trường thanh toán bằng USD.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, phân tích, hiện nay, lãi suất vay ngoại tệ đang ở mức cao cùng với rủi ro biến động tỷ giá, doanh nghiệp cần cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi vay vốn ngoại tệ. Doanh nghiệp chỉ nên vay ngoại tệ khi khả năng sinh lời vượt trội so với tổn thất. Trường hợp vay vốn dài hạn thì có thể thỏa thuận điều kiện lãi suất thả nổi khi dự kiến Fed có thể giảm lãi suất từ năm 2024, qua đó kéo mặt bằng lãi suất cho vay USD cũng như các loại ngoại tệ khác đi xuống.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên trích lập đầy đủ quỹ dự phòng biến động tỷ giá, đẩy mạnh thanh toán trước hạn các khoản vay ngoại tệ (đặc biệt với các doanh nghiệp có khoản vay lớn bằng đồng USD) để giảm bớt chi phí lãi vay và rủi ro biến động tỷ giá, sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá như hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi ngoại tệ…
Theo Tạp chí Đầu tư Tài chính (VietnamFinance)