Giá dầu mở cửa với lực bán tiếp tục áp đảo, bất chấp các nỗ lực giải cứu xung quanh rủi ro từ Ngân hàng Credit Suisse. Mới đây, Credit Suisse đã được Ngân hàng hàng đầu Thuỵ Sỹ UBS mua lại nhờ trung gian từ Ngân hàng Trung ương với khoản tiền 3.2 tỷ USD, nhằm hỗ trợ tâm lý thị trường, nhưng với việc một số người nắm giữ trái phiếu của Credit Suisse sắp trắng tay và căng thẳng tăng cao sau một tuần, dòng tiền nhiều khả năng vẫn sẽ phân bổ về các tài sản an toàn điển hình như trái phiếu Chính phủ hay vàng, và thị trường rủi ro sẽ còn gặp áp lực, trong đó có dầu thô.
Trước các lo ngại về suy thoái kinh tế, mới đây Goman Sachs đã cắt giảm dự báo đối với dầu Brent tiêu chuẩn xuống mức trung bình 94 USD/thùng trong năm nay từ mức 100 USD/thùng theo dự báo lần trước.
Tâm điểm của tuần này sẽ hướng về quyết định lãi suất của Fed. Mới đây, Fed và 5 Ngân hàng Trung ương khác đã công bố phối hợp hành động để tăng tính thanh khoản trong các thỏa thuận hoán đổi Dollar Mỹ, nỗ lực mới nhất của các nhà hoạch định chính sách để giảm bớt căng thẳng ngày càng tăng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư đặt cược Fed có thể sẽ giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp vào tuần này, với công cụ Fed Watch của CME Group cho thấy có tới 49.5% cho thấy khả năng này, tăng từ khoảng 38% trong 1 ngày trước đó. Nhưng ý kiến cho thấy Fed có thể tăng 25 điểm cơ bản vẫn ở mức 50.5%. Sự thiếu chắc chắn về hành động thắt chặt của Fed cũng khiến tâm lý vẫn còn nhiều tiêu cực và giá dầu nhiều khả năng vẫn còn đà giảm, trừ khi có các tác động mạnh về kỳ vọng cung cầu, ví dụ như sự can thiệp cắt giảm sản lượng của OPEC nhằm hỗ trợ giá, hay các gói kích thích kinh tế khổng lồ từ phía Trung Quốc. Đây cũng là những thông tin mà thị trường cần theo dõi chặt chẽ trong giai đoạn tới.
Nguồn: Theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV)