Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; Sẽ thanh tra ngân hàng bán tài sản nhiều lần bất thành; Nguyên nhân gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm giải ngân…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Theo Ngân hàng Nhà nước các loại lãi suất điều hành giảm gồm tái chiết khấu và cho vay qua đêm (trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng).
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 5,5% xuống 5% một năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5% xuống 6% một năm.
Đợt điều chỉnh lãi suất điều hành lần này không áp dụng với trần lãi suất huy động. Mức lãi suất mới có hiệu lực từ ngày 15/3.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành trong 2 năm gần đây. Trong lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 9 năm ngoái, các loại lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động đã tăng 0,3-1% một năm.
Giảm lãi suất điều hành, theo Ngân hàng Nhà nước là “bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới”. Đây là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện nay, thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế.
Từ tháng 1 năm nay, nhà điều hành đã mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng để bổ sung dự trữ ngoại hối và đưa lượng lớn tiền đồng vào lưu thông. Ngày 13/3, tỷ giá trung tâm ở mức 23.638 đồng, tăng khoảng 0,1% so với cuối năm 2022; tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng khoảng 23.555 đồng, giảm 0,1% so với cuối năm 2022. Tỷ giá niêm yết mua/bán của các ngân hàng thương mại hiện tại tương đương với mức cuối năm 2022, như tại Vietcombank là 23.400 – 23.740 đồng.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 213/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Hai Phó Trưởng Ban gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (Phó Trưởng Ban thường trực); Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.
Các thành viên là lãnh đạo một số bộ, ban, ngành.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu theo các mục tiêu, định hướng nêu tại Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) (Quyết định 689).
Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp xử lý những vấn đề quan trọng, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 689 và các vấn đề vượt thẩm quyền Bộ, ngành.
Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương xử lý các vấn đề trong phạm vi Quyết định 689 thuộc chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương.
Giúp Thủ tướng Chính phủ điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương, đồng thời tăng cường trách nhiệm, hiệu quả tham gia, phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 689.
Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Trước đó, ngày 8/6/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 689 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025; phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các NHTM đạt tối thiểu 10 – 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 – 12%.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu tập trung kiểm tra một số đơn vị có lượng án tín dụng ngân hàng có điều kiện thi hành lớn, giá trị phải thi hành cao, còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) vừa ký Quyết định số 161/QĐ-TCTHADS ban hành Kế hoạch công tác năm 2023 của Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Để thực hiện hiệu quả kế hoạch, Tổng cục THADS yêu cầu Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung.
Cụ thể, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 161/QĐ-TCTHADS nêu trên. Đồng thời, trên cơ sở kế hoạch của Tổng cục, các đơn vị xây dựng Kế hoạch tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án liên quan đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đảm bảo kết quả năm 2023 đạt tỷ lệ cao hơn năm 2022 về việc và về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành.
Tập trung kiểm tra một số đơn vị có lượng án tín dụng ngân hàng có điều kiện thi hành lớn, giá trị phải thi hành cao, còn nhiều khó khăn, vướng mắc; đã bán đấu giá tài sản nhiều lần nhưng chưa thành, bán đấu giá thành nhưng chưa giao cho người mua trúng đấu giá. Đồng thời, đôn đốc, chỉ đạo tổ chức thi hành các vụ việc đã có chỉ đạo, kết luận Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục.
Định kỳ 6 tháng, 1 năm (trước 5/4 và 5/10) tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình kết quả thực hiện gửi về Tổng cục THADS để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.
Trước đó, ngày 28/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiểm tra thông tin “ngân hàng rao bán nợ, tài sản đảm bảo”, tài sản được mang ra đấu giá chủ yếu là bất động sản, có dự án cả ngàn tỷ đồng.
Nguyên nhân gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm giải ngân
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Nhiều giải pháp được Ngân hàng nhà nước đưa ra, hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, kết quả thực hiện gói này thấp, chưa được như kỳ vọng.
Nguyên nhân được cho rằng bối cảnh nền kinh tế đã khác so với thời điểm đề xuất xây dựng chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế – xã hội; tâm lý e ngại khi đánh giá “khả năng phục hồi” của khách hàng cũng như các thủ tục thanh tra, kiểm toán sau này đối với các khách hàng và ngân hàng thương mại.
Theo khảo sát thực tế từ ngân hàng thương mại và khách hàng, mức độ hấp thụ, giải ngân và kết quả hỗ trợ lãi suất vẫn phụ thuộc lớn vào tâm lý khách hàng, họ không muốn tham gia hỗ trợ lãi suất, bà Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Bên cạnh đó, qua khảo sát và báo cáo các ngân hàng thương mại, Ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, trong số khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất, có khoảng 67% khách hàng phản hồi “không có nhu cầu”.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% “rất chậm”, khi đến cuối 2022 mới đạt 134 tỉ đồng. Dự kiến năm nay gói này giải ngân thêm được 2.345 tỉ đồng. Như vậy, sẽ còn dư 37.521 tỉ đồng dự kiến không giải ngân hết.
Tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tháng 2; thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ giao Ngân hàng nhà nước sớm báo Thủ tướng phương án phù hợp liên quan đến gói hỗ trợ 2% lãi suất.
Bà Hồng cho biết Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục xác định triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất là nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh triển khai; thành lập các đoàn khảo sát liên ngành tiếp tục đôn đốc, nắm tình hình tại các địa phương để kịp thời tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực thi chính sách.
Nguồn: Theo Tạp chí Đầu tư Tài chính (VietnamFinance)