Co-opBank điểm tựa nâng cao năng lực cho hệ thống QTDND; VIB giảm lãi suất cho khách vay kinh doanh; Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ trong năm 2023…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90 – 95% giá trị giao dịch) trong phiên 16/3 đã giảm về còn 4,14% từ mức 5,06%/năm trước đó. Còn so với mức ghi nhận hồi đầu tháng, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm khoảng 2 điểm %.
Lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng giảm mạnh xuống còn lần lượt 4,29%/năm, 4,32%/năm và 6,35%/năm. So với mức cao điểm hồi đầu tháng 3, lãi suất các kỳ hạn này cũng đã giảm 1,5 – 2 điểm %.
Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu sau khi NHNN quyết định giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Cùng với việc giảm lãi suất điều hành, trong những phiên gần đây NHNN cũng liên tục chào thầu OMO kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 5,5%/năm. Trước đó, cơ quan này chỉ sử dụng các hợp đồng 7 ngày và 14 ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng trong 2 tháng đầu năm với lãi suất ở mức 6%/năm. Động thái này cho thấy định hướng cung ứng thanh khoản dài hạn hơn và rẻ hơn cho hệ thống ngân hàng của Nhà điều hành.
Dù vậy, trong hai phiên 15/3 và 16/3 chỉ có 1 thành viên tham gia vay vốn mỗi phiên, với tổng khối lượng trúng thầu 986,48 tỷ đồng.
Đến phiên 17/3, không còn ngân hàng nào cần hỗ trợ thanh khoản từ NHNN. Đây là lần đầu tiên kể từ giữa tháng 2 (20/2), hệ thống ngân hàng không mượn 1 đồng nào từ Nhà điều hành trên thị trường mở.
Thực tế, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã trở nên dồi dào hơn trong những tuần gần đây. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra hồi đầu tháng 3, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện thanh khoản của hệ thống đã dồi dào trở lại, vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc.
Theo NHNN, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành mới đây là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Năm 2022, Co-opBank tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn đối với QTDND luôn cao hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm tối đa 0,5%/năm tùy từng kỳ hạn cụ thể, tuy nhiên do nhu cầu rút tiền gửi của thành viên để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19 tăng cao, nên các QTDND phải rút tiền gửi tại Co-opBank để chi trả, dẫn đến số dư tiền gửi điều hòa bị giảm mạnh.
Lường đón được xu hướng này, Ngân hàng đã tăng cường các kênh vốn khác để dẫn thế chủ động về nguồn vốn.
Từ đó, đảm bảo thực hiện tốt trọng trách liên kết hệ thống và hỗ trợ hoạt động của các QTDND thông qua việc tích cực hỗ trợ vốn cho các QTDND mở rộng hoạt động cho vay hỗ trợ thành viên. Với những QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, có nhu cầu bổ sung nguồn vốn, Co-opBank đã kịp thời điều chỉnh mức cho vay mở rộng tín dụng vượt mức quy định tại Quy chế điều hòa vốn nhằm hỗ trợ hoạt động của QTDND. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách điều hành lãi suất cho vay đối với QTDND thấp hơn lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và cá nhân tại mọi thời điểm.
Mặt khác, Ngân hàng vẫn tiếp tục triển khai chương trình cho vay “Chung tay hỗ trợ thành viên QTDND” với lãi suất thấp (tối thiểu 4,8%/năm) nhằm chia sẻ khó khăn với thành viên QTDND trong suốt 10 tháng đầu năm 2022.
Trong vai trò hỗ trợ NHNN trong công tác kiểm tra, giám sát các QTDND, trong năm 2022, Co-opBank đã triển khai kế hoạch kiểm tra đối với 23 Chi nhánh có các QTDND được kiểm tra theo yêu cầu…
Ứng dụng Co-opBank Mobile Banking với nhiều tiện ích đa năng đã được đồng loạt triển khai đến các QTDND và được các thành viên QTDND đón nhận. Đây là cơ hội giúp Co-opBank và các QTDND tiếp cận với các thành viên, khách hàng mới, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa…
Co-opBank đã triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại khác tới các QTDND cụ thể như: Gói dịch vụ chi lương dành cho cán bộ, nhân viên QTDND; chia sẻ doanh thu dịch vụ, trả phí tư vấn thành viên với các QTDND; triển khai dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7 tại quầy; chuyển tiền VietQR; thanh toán dịch vụ công trực tuyến qua cổng dịch vụ công Quốc gia…
Khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ được giảm đến 2% lãi suất một năm khi vay bổ sung vốn lưu động.
Theo đó, khách hàng có sử dụng gói tài khoản iBusiness (cá nhân kinh doanh) hoặc sBusiness (DNSN) của Ngân hàng Quốc tế (VIB) khi vay kinh doanh sẽ được giảm lãi suất tối đa đến 2% một năm.
Khách tham gia cần đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ số dư tài khoản thanh toán trung bình ba tháng gần nhất trên số tiền giải ngân. Cụ thể, với tỷ lệ số dư từ 2,5% người vay sẽ được giảm lãi suất đến 1%, tỷ lệ số dư từ 5% sẽ được giảm lãi suất đến 2%. Chương trình áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 18/3.
Đồng thời, khách hàng sử dụng gói tài khoản iBusiness và sBusiness của VIB còn được hưởng nhiều ưu đãi như miễn phí tài khoản số đẹp, hạn mức giao dịch đến 5 tỷ đồng mỗi ngày, miễn phí quản lý gói tài khoản cho khách hàng tham gia lần đầu.
Bên cạnh ưu đãi về lãi suất, VIB cũng cải tiến quy trình và chất lượng phục vụ khách hàng thực hiện thủ tục vay, kết quả phê duyệt từ hai ngày làm việc, hạn mức lên đến 100% nhu cầu vốn.
Thông qua chương trình, VIB kỳ vọng giúp khách hàng tối ưu chi phí và kịp thời bổ sung nguồn vốn phục vụ cho các kế hoạch kinh doanh sắp tới, đồng thời khuyến khích khách hàng giao dịch qua ngân hàng thường xuyên hơn.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank – EIB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Cuộc họp dự kiến tổ chức vào ngày 14/4 tại Trung tâm Hội nghị GEM CENTER, TP HCM.
Năm 2023, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022. Huy động vốn dự kiến tăng 11% lên 165.000 tỷ, dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) tăng 12,3% lên 146.600 tỷ. Eximbank cũng cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng này sẽ thực hiện trong điều kiện được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Eximbank là 1,8%. Ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ này không quá 1,6% trong năm nay.
Lợi nhuận trước thuế năm 2023 mục tiêu là 5.000 tỷ, tăng 35%. Trước đó, năm 2022, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng tới 207% so với cùng kỳ, đạt 3.709 tỷ đồng và vượt xa kế hoạch (2.500 tỷ).
Tại Đại hội, Eximbank sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, từ đó tăng vốn điều lệ lên hơn 17.469 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 18%. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ.
Ngoài ra, hiện nay số lượng cổ phiếu quỹ của Eximbank là hơn 6 triệu. Các cổ phiếu này được mua từ năm 2014 và được nắm giữ đến thời điểm hiện tại. HĐQT đề xuất bán hết số cổ phiếu quỹ này. Thời điểm bán sau khi hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 18%).
Nguồn: Theo Tạp chí Đầu tư Tài chính (VietnamFinance)