Giá hàng hóa nguyên liệu tăng mạnh

Tin thị trường
17/07/2023

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới vừa đóng cửa tuần giao dịch hết sức sôi động với lực mua hoàn toàn áp đảo. Đà tăng mạnh trên cả 4 nhóm mặt hàng đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 4 trên 5 phiên trong tuần và chốt tuần với tổng luỹ kế tăng 2,61% lên 2.246 điểm, vùng điểm cao nhất trong hơn 3 tuần trở lại đây.

Chỉ số MXV-Index tăng 4 trên 5 phiên trong tuần và chốt tuần với tổng luỹ kế tăng 2,61% lên 2.246 điểm
Chỉ số MXV-Index tăng 4 trên 5 phiên trong tuần và chốt tuần với tổng luỹ kế tăng 2,61% lên 2.246 điểm

Giá kim loại bật tăng mạnh mẽ

Kết thúc tuần 10/07 – 16/07, giá bạc dẫn dắt đà tăng của nhóm khi tăng 8,18% lên 25,19 USD/ounce, đánh dấu tuần tăng giá mạnh nhất kể từ giữa tháng 03. Giá bạch kim đóng cửa tuần tại 984,3 USD/ounce sau khi tăng 7,16%, mức tăng trong tuần lớn nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.

Yếu tố chính hỗ trợ cho đà tăng của nhóm kim loại quý trong tuần qua là sự suy yếu của đồng USD, với chỉ số Dollar Index giảm về 99,91 điểm. Loạt dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố trong tuần trước cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt đã giúp củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt. 

Dấu hiệu lạm phát tại Mỹ dần hạ nhiệt đã làm tăng kỳ vọng về một chính sách mềm mỏng hơn của Fed. Điều này khiến đồng USD suy yếu kéo theo chỉ số Dollar Index giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022. Hơn nữa, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm 28 điểm cơ bản xuống 3,82%. 

Bảng giá kim loại kết phiên giao dịch tuần từ 10/07/2023 - 16/07/2023
Bảng giá kim loại kết phiên giao dịch tuần từ 10/07/2023 – 16/07/2023

Đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu giảm làm giảm chi phí giao dịch và hỗ trợ lực mua các mặt hàng tăng mạnh trong tuần qua.  

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tăng tuần thứ hai liên tiếp với mức tăng 3,99%. Đây cũng là tuần tăng giá mạnh nhất của đồng kể từ giữa tháng 03 đến nay. Cùng với đó, giá sắt tăng mạnh 6,04% lên 114,22 USD/tấn, chạm mức cao nhất trong gần 1 tháng. Tương tự kim loại quý, các mặt hàng đều được hỗ trợ chủ yếu nhờ sự suy yếu của đồng USD khiến chi phí bớt đắt đỏ hơn. 

Bên cạnh đó, giá đồng và giá sắt đều tăng tốt do nhà đầu tư ngày càng gia tăng kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế ở Trung Quốc, bất chấp nhu cầu tiêu thụ còn ảm đạm.

Hơn nữa, các khoản vay mới của Trung Quốc được bổ sung trong tháng 6 sau khi PBOC cắt giảm lãi suất vào giữa tháng. Điều này phản ánh nhu cầu tín dụng tăng cao và cho thấy niềm tin kinh doanh của người dân và doanh nghiệp Trung Quốc dần phục hồi.

Tuần này, thị trường kim loại, dầu thô sẽ tập trung hướng đến các số liệu về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hàng đầu trên thế giới. Nước này sẽ sớm công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý II, dự kiến sẽ khiến các mặt hàng kể trên biến động mạnh.

Nhóm đậu tương dẫn dắt thị trường nông sản

Cả 3 mặt hàng trong nhóm họ đậu đều đồng loạt hồi phục trở lại trong tuần giao dịch vừa qua. Giá đậu tương lấy lại hoàn toàn mức giảm từ tuần trước đó khi thị trường phản ứng với các số liệu từ báo cáo Cung – cầu tháng 07 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). 

Tồn kho đậu tương Mỹ cuối niên vụ 22/23 đã được USDA điều chỉnh tăng 25 triệu giạ so với báo cáo tháng 06, cao hơn gần 10% so với dự đoán trung bình của thị trường. Nguyên nhân của sự gia tăng tồn kho xuất khẩu giảm 20 triệu giạ và nhập khẩu tăng 5 triệu giạ. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá đậu tương suy yếu trong phiên công bố báo cáo. Tuy nhiên, lực mua đã gia tăng trở lại khi chất lượng cây trồng vẫn là mối lo ngại hàng đầu của thị trường trong giai đoạn hạn hán. Năng suất đậu tương 23/24 của Mỹ vẫn được giữ nguyên ở mức 52,0 giạ/mẫu và những kỳ vọng về khả năng USDA sẽ phải điều chỉnh số liệu này xuống mức thấp hơn trong các báo cáo sau đã thúc đẩy giá tăng trở lại.

Bảng giá nông sản kết phiên giao dịch tuần 10/07 - 16/07/2023
Bảng giá nông sản kết phiên giao dịch tuần 10/07 – 16/07/2023

Ngoài ra, nhập khẩu đậu tương trong tháng 06 của Trung Quốc đạt mức 10,27 triệu tấn, tăng 24,5% so với một năm trước, dữ liệu của Tổng cục Hải quan nước này cho thấy. Nhập khẩu đậu tương trong tháng trước thấp hơn đáng kể so với mức kỷ lục 12,02 triệu tấn trong tháng 05, khi các lô hàng bị chậm trễ trong tháng trước đã đẩy con số này lên cao. 

Hai mặt hàng thành phẩm của quá trình ép dầu đậu tương cũng ghi nhận mức tăng vọt trong tuần trước. Các cảng Santos, Paranagua và Antonina của Brazil đã bị hạn chế hoạt động do một cơn lốc xoáy nhiệt đới đang ngang qua phía nam nước này, chính quyền cảng thông báo. Tại các cảng Paranagua và Antonina, những cảng xuất khẩu nông sản quan trọng, hoạt động đã bị hạn chế kể từ ngày 12/07 do gió lớn. Mặc dù các cảng biển này hiện đã hoạt động bình thường trở lại nhưng vấn đề này xuất hiện trong giai đoạn xuất khẩu cao điểm của Brazil nên cũng đã là yếu tố bất ngờ và  thúc đẩy giá khô và dầu đậu. Bên cạnh đó, dự báo về đỉnh điểm của hiện tượng El Nino sẽ xảy ra vào đầu năm sau cũng gây ra lo ngại với mùa vụ cây cọ của Malaysia và Indonesia, từ đó hỗ trợ cho giá các loại dầu thực vật.

Quay lại

Bài viết liên quan

Đề nghị bỏ quy định ‘VƯỢT RÀO’
15/08/2024
Bình luận, góp ý đối với dự thảo Nghị định hoạt động mua bán hàng hóa...
Giá hàng hóa sẽ còn biến động trước thay đổi khó đoán của cung cầu
25/07/2024
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới khép lại nửa đầu năm 2024 với...
Lực bán áp đảo quay lại thị trường nguyên liệu thế giới
24/07/2024
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa giao dịch hôm qua (23/7), lực...