Đối với bất cứ nhà giao dịch nào theo trường phái phân tích kĩ thuật thì biểu đồ là một công cụ không thể thiếu. Trong thị trường giao dịch phái sinh hàng hóa cũng vậy, có 3 loại biểu đồ chính mà các trader thường hay sử dụng. Đó là biểu đồ đường (line chart), biểu đồ thanh (bar chart) và biểu đồ nến nhật (candlestick chart).
Các nhà đầu tư dựa vào phân tích các dạng biểu đồ này để quyết định khi nào nên mua và khi nào nên bán.
Biểu đồ đường (Line chart)
Biểu đồ đường hiểu đơn giản là những đường nối từ giá đóng cửa này đến giá đóng cửa tiếp theo trong một khung thời gian xác định.
Ảnh: Ví dụ Biểu đồ đường (Line chart)
Biểu đồ đường là loại biểu đồ đơn giản nhất, giúp cho các nhà giao dịch có cái nhìn tổng quan về xu hướng thị trường. Nếu bạn muốn xem thị trường nhanh trong tức khắc, biểu đồ đường sẽ rất hữu ích trong việc này.
Nhược điểm: Biểu đồ đường không thể hiện sự biến động về giá một khoảng thời gian. Do đó trong điều kiện thị trường phức tạp, dao động giá trong phiên cao thì sử dụng biểu đồ đường không mang lại hiệu quả phân tích cao. Ví dụ với biểu đồ đường khung khoảng 1 giờ, bạn sẽ chỉ biết được giá đóng cửa sau 1 giờ đó và không biết trong 1 giờ đó giá đã biến động tăng/giảm như thế nào.
Biểu đồ thanh (Bar chart)
Biểu đồ thanh thì phức tạp hơn vì nó thể hiện các mức giá của một loại hàng hóa trong một khung thời gian nhất định.
Tùy theo khoảng thời gian giao dịch mà 1 thanh sẽ biểu thị cho sự chuyển động giá trong khoảng thời gian đó.
Dưới đây là một ví dụ về thanh giá:
Ảnh: Ví dụ về thanh giá (nguồn sưu tầm)
Nhược điểm: Mặc dù biểu thị chi tiết sự biến động giá nhưng khó để nhận thấy giá tăng hay giảm trong khung thời gian
Biểu đồ thanh cũng được gọi là biểu đồ OHLC (“Open High Low Close), vì chúng cũng thể hiện mức High, Low, Open và Close.
Ảnh: Ví dụ về biểu đồ thanh
Biểu đồ nến Nhật (Candlesticks Chart)
Biểu đồ nến được người Nhật Bản sáng tạo và áp dụng đầu tiên trên thị trường chứng khoán của họ. Với những ưu điểm của mình, biểu đồ này đang dần trở thành loại được sử dụng phổ biến nhất trên hầu hết các thị trường chứng khoán hiện đại.
Giống như biểu đồ thanh, biểu đồ nến vẫn thể hiện sự biến động giá trong một khung thời gian nhất định.
Cấu tạo của một nến Nhật:
Ảnh: Cấu tạo của một nến Nhật
Biểu đồ nến Nhật khắc phục được nhược điểm của biểu đồ thanh bằng cách hiển thị giá mở cửa và đóng cửa:
Theo truyền thống, Thân nến có màu trắng là nến tăng, thân nến có màu đen là nến giảm. Tuy nhiên hầu hết trader đều lựa chọn màu xanh cho nến tăng và màu đỏ cho nến giảm để dễ dàng nhận biết biến động giá
Ảnh: Ví dụ về biểu đồ nến Nhật