Hợp đồng hoán đổi (SWAP) là gì? Các loại hợp đồng hoán đổi

Phái sinh hàng hóa
21/12/2023

Hợp đồng hoán đổi (SWAP) là một loại hợp đồng tài chính cho phép hai bên trao đổi dòng tiền dựa trên giá của một loại hàng hóa cụ thể. Mục đích của nó là để giảm thiểu rủi ro biến động giá của hàng hóa và tận dụng cơ hội kiếm lời từ sự chênh lệch giữa giá thị trường và giá hợp đồng. Đây là thuật ngữ khá mới lạ đối với những người mới tham gia hoạt động đầu tư. Cùng Amber Commodities tìm hiểu chi tiết về loại hợp đồng này nhé!

Khái niệm hợp đồng hoán đổi (SWAP)

Hợp đồng hoán đổi (SWAP) là một loại hợp đồng tài chính giữa hai bên thỏa thuận trao đổi các luồng tiền trong tương lai theo một cơ chế đã ước định trước và trong một khoảng thời gian nhất định.

  • Là một loại hợp đồng phái sinh mà hai bên đồng ý hoán đổi dòng tiền phụ thuộc vào các chỉ số giá của hàng hóa cơ sở.
  • Một giao dịch hoán đổi hàng hóa thường được sử dụng để phòng vệ khỏi những biến động giá trên thị trường.
Hợp đồng hoán đổi (SWAP) là gì?
Hợp đồng hoán đổi (SWAP) là gì?

Đặc điểm của hợp đồng hoán đổi (SWAP)

Hợp đồng hoán đổi (SWAP) là một công cụ tài chính mạnh mẽ và phổ biến trong thế giới đầu tư và tài chính. Dưới đây là những đặc điểm quan trọng:

  • Phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của hợp đồng thông thường, như ý chí tự nguyện, bình đẳng, pháp lý và có nội dung rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên.
  • Có tính chất phản ánh sự biến động của các yếu tố tài chính như lãi suất, tỷ giá, giá cổ phiếu hay giá hàng hóa. Một bên sẽ trao đổi một luồng tiền liên quan đến một yếu tố tài chính này để nhận lại một luồng tiền liên quan đến một yếu tố tài chính khác.
  • Hợp đồng có giá trị bằng không (0) khi ký kết, nghĩa là không có sự chuyển nhượng vốn ban đầu giữa các bên.
  • Không Có Bất Kỳ Lượng Hàng Hóa Nào Được Trao Đổi: Không có bất kỳ lượng hàng hóa nào được trao đổi trong suốt quá trình “giao dịch hoán đổi”, thay vào đó tiền sẽ được trao đổi.
  • Trong giao dịch hoán đổi hàng hóa, dòng tiền được trao đổi phụ thuộc vào giá (thả nổi/thị trường/giao ngay) của hàng hóa cơ sở. Cụ thể, sự thay đổi giá cả này sẽ quyết định liệu có sự chuyển dịch lợi nhuận hay rủi ro giữa hai bên. Điều này giúp nhà đầu tư linh hoạt trong việc tham gia thị trường mà không cần sở hữu trực tiếp hàng hóa.
  • Giao dịch hoán đổi hàng hóa chủ yếu được giao dịch trên thị trường OTC, nghĩa là không có sự can thiệp của một cơ quan trung gian hay một sàn giao dịch. Các bên tự do thương lượng về các điều khoản của hợp đồng và phải hiểu rõ khả năng thanh toán của nhau. Các điều khoản này bao gồm giá cả, thời hạn, và các điều kiện thanh toán, tạo ra một môi trường linh hoạt và thích ứng với nhu cầu đặc biệt của từng bên.
  • Thông thường, các giao dịch hoán đổi hàng hóa được tạo ra bởi các công ty dịch vụ tài chính chuyên nghiệp. Những tổ chức này đóng vai trò như là những trung gian giữa những nhà đầu tư có nhu cầu quản lý rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận. Bằng cách này, họ cung cấp các giải pháp tài chính và hợp đồng linh hoạt, đồng thời đảm bảo rằng các giao dịch diễn ra một cách hiệu quả và an toàn từ pháp lý.

Ví dụ về hợp đồng hoán đổi (SWAP)

Một hãng hàng không ký hợp đồng hoán đổi trả mức cố định là 5 USD/gallon cho nhu cầu khối lượng 200,000 gallons nhiên liệu của hãng. Hãng hàng không sẽ tiết kiệm được bao nhiêu, nếu đến kỳ thanh toán giá nhiên liệu là 5.2 USD/gallon?

  • Hãng hàng không chỉ muốn trả một mức cố định là 5 USD cho mỗi gallon nhiên liệu. Tại thời điểm này, mức chênh lệch của giá nhiên liêu sẽ = 5.2 – 5 = 0.2 USD/gallon.

=> Bên đối tác sẽ trả cho công ty hàng không một khoản = 200,000 gallons x 0.2 USD/gallon = 40,000 USD (40,000 USD này sẽ bù đắp cho việc tăng giá nhiên liệu mà hãng hàng không phải trả theo giá tại thời điểm hiện tại).

  • Theo mức giá hiện tại 5.2 USD/gallon, Tổng số tiền hãng hàng không phải thanh toán cho cho 200,000 gallons nhiên liệu = 200,000 x 5.2 = 1,040,000 USD

Tuy nhiên, do tham gia hợp đồng SWAP nên số tiền ròng hãng hàng không phải thanh toán = 1,040,000 – 40,000 = 1,000,000 USD.

  • Trường hợp nếu giá thị trường là 5 USD/gallon, thì hãng hàng không sẽ phải thanh toán số tiền = 5 x 200,000 = 1,000,000 USD

=> Thông qua giao dịch hoán đổi, hãng hàng không có thể đảm bảo mức giá 5 USD/gallon cho 200,000 gallons nhiên liệu đã định trước.

Các loại hợp đồng hoán đổi

Hợp đồng hoán đổi trong thị trường phái sinh vô cùng đa dạng, chúng giúp các nhà đầu tư bảo vệ mình khỏi những biến động giá không mong muốn và tận dụng những cơ hội kiếm lời trên thị trường hàng hóa. Những loại hợp đồng chính bao gồm:

Hợp đồng hoán đổi lãi suất

Hợp đồng hoán đổi lãi suất là một thỏa thuận phái sinh giữa hai bên, cho phép họ trao đổi dòng tiền dựa trên những mức lãi suất khác nhau. Mục tiêu chính của loại hợp đồng này là hỗ trợ các bên trong việc quản lý rủi ro hoặc tận dụng những cơ hội được tạo ra bởi sự thay đổi của lãi suất. Thông thường, một bên sẽ thanh toán lãi suất cố định và nhận lãi suất thả nổi từ bên kia, hoặc ngược lại, tùy thuộc vào điều kiện và mục tiêu cụ thể của từng bên tham gia.

Ví dụ hợp đồng hoán đổi lãi suất
Ví dụ hợp đồng hoán đổi lãi suất

Hợp đồng hoán đổi tiền tệ

Hợp đồng hoán đổi tiền tệ là hợp đồng về trao đổi ngoại tệ giữa 2 bên. Theo đó 2 bên sẽ thực hiện trao đổi khoản tiền gốc và tiền lãi cố định của khoản vay để lấy một khoản tiền gốc và lãi cố định tương đương một khoản vay của một loại đồng tiền khác.

Mục đích của hợp đồng này là cho phép các bên thỏa thuận tận dụng lợi thế từ việc trao đổi tiền gốc và lãi suất cố định giữa các đồng tiền khác nhau, nhằm đáp ứng các nhu cầu tài chính và giảm rủi ro trong giao dịch quốc tế. Tại Việt Nam, hoán đổi tiền tệ thường kết hợp với hoán đổi lãi suất.

Ví dụ hợp đồng hoán đổi tiền tệ
Ví dụ hợp đồng hoán đổi tiền tệ.
Hoán đổi tiền tệ giúp các công ty huy động vốn với lãi suất thấp hơn. Lãi suất này tùy thuộc vào từng ngoại tệ đang nắm giữ.

Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng

Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng là một loại hợp đồng phái sinh tín dụng, trong đó bên mua đồng ý thanh toán một khoản tiền định kỳ (thường là hằng năm) cho bên bán. 

Trong trường hợp công cụ tài chính cơ sở (thường là một trái phiếu, một khoản vay hoặc một công nợ) bị mất khả năng thanh toán, bên mua sẽ nhận được khoản bồi thường từ bên bán.

Hợp đồng hoán đổi hàng hóa

Hợp đồng hoán đổi hàng hóa là một thỏa thuận dựa trên hợp đồng giữa hai bên, trong đó giá thả nổi của hàng hóa được trao đổi lấy giá cố định trong một khoảng thời gian xác định.

Trong đó:

  • Người sử dụng muốn đảm bảo giá cố định và trả cho tổ chức tài chính mức giá cố định. Đổi lại, họ sẽ nhận khoản thanh toán dựa trên giá thị trường cho các sản phẩm hàng hóa liên quan.
  • Người sản xuất muốn đảm bảo thu nhập cố định và chấp nhận trả giá thị trường cho tổ chức tài chính, nhưng đổi lại họ sẽ nhận được những khoản thanh toán cố định cho hàng hóa.

Hợp đồng hoán đổi chứng khoán vốn

Hợp đồng hoán đổi chứng khoán vốn là một thỏa thuận trong đó hai bên thống nhất về tổ hợp các dòng tiền sẽ được trao đổi vào một ngày xác định trong tương lai. Hợp đồng này bao gồm hai dòng tiền chính, mỗi dòng tiền đại diện cho một vế của hợp đồng. Trong chi tiết của thỏa thuận, một vế được liên kết với lãi suất thả nổi, thường là Libor (vế nổi), trong khi vế còn lại phụ thuộc vào kết quả của một cổ phiếu cụ thể hoặc một chỉ số thị trường (vế cổ phiếu).

Hợp đồng hoán đổi (SWAP) là một công cụ tài chính hữu ích, giống với Hợp đồng tương laiHợp đồng quyền chọn và, nó giúp các nhà đầu tư bảo vệ mình khỏi những biến động giá không mong muốn và tận dụng những cơ hội kiếm lời trên thị trường hàng hóa. Nếu bạn đang quan tâm đến thị trường phái sinh hàng hóa, hãy theo dõi ngay Fanpage của AXC để cập nhật thông tin sớm nhất hoặc liên hệ trực tiếp để được tư vấn chi tiết và chuyên nghiệp.

Quay lại

Bài viết liên quan

Sàn giao dịch hàng hóa Chicago – CME
05/07/2024
Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME) là một trong những sàn giao dịch hàng hóa và...
CME Group – Tập đoàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới
03/06/2024
CME Group là một công ty tài chính toàn cầu chuyên về các sản phẩm phái sinh,...
Tầm quan trọng của quản lí vốn trong đầu tư
24/05/2024
Trong thế giới đầu tư đầy rẫy biến động và rủi ro, việc quản lý vốn...