Sàn giao dịch liên lục địa (ICE)

Kiến thức tham khảo khác
10/05/2024

Sàn giao dịch liên lục địa ICE là một trong những sàn giao dịch lớn trên thế giới, chỉ đứng sau CME Group. ICE là sàn giao dịch lớn, cung cấp nhiều sản phẩm cùng những dịch vụ dữ liệu hiện đại. Trong bài viết này, Amber Commodities sẽ cùng quý anh chị tìm hiểu về Sàn ICE qua bài viết dưới đây

Giới thiệu về Sàn Giao dịch liên lục địa ICE

Sàn giao dịch liên lục địa (tên tiếng Anh: Intercontinental Exchange, tên viết tắt: ICE) được thành lập vào tháng 5/2000 tại Atlanta, Georgia, Mỹ bởi Jeffrey C. Sprecher với mục đích tạo thuận lợi cho việc giao dịch điện tử và bán các mặt hàng về năng lượng. ICE hoạt động hoàn toàn như một sàn giao dịch điện tử và được kết nối trực tiếp với các cá nhân và công ty muốn kinh doanh dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, nhiên liệu máy bay, khí thải, năng lượng điện, các phái sinh hàng hóa và hợp đồng tương lai. So với giao dịch thủ công, nền tảng mới mang lại sự minh bạch về giá, hiệu quả, tính thanh khoản cao hơn và có chi phí thấp hơn.

Sàn giao dịch liên lục địa ICE

ICE điều hành thị trường tương lai thông qua công ty con được giám sát bởi FSA (Financial services authority) đặt tại London tên là ICE Futures. Khi được thành lập, ICE Futures là sàn giao dịch năng lượng hàng đầu Châu Âu, nơi giao dịch các hợp đồng tương lai và quyền chọn đối với dầu thô, khí đốt tự nhiên, năng lượng điện, than, nhiên liệu máy bay, khí thải. Thông qua nhiều thương vụ mua lại khác nhau, hoạt động của công ty đã mở rộng sang bao gồm các mặt hàng khác như đường, bông và cà phê, …

Kể từ khi thành lập vào năm 2000, sự tăng trưởng của công ty ICE chủ yếu đạt được thông qua việc mua lại các sàn giao dịch khác. Thương vụ mua lại đầu tiên của công ty là Sàn giao dịch xăng dầu quốc tế (IPE), nay là ICE Futures Europe, vào năm 2001. Trong những năm tiếp theo, công ty đã mở rộng bằng cách mua lại Hội đồng Thương mại New York (NYBOT) vào năm 2005, Sàn giao dịch hàng hóa Winnipeg, hiện là ICE Futures Canada vào năm 2007, Tập đoàn Creditex vào năm 2008 và Climate Exchange vào năm 2010.

Để đối phó với Cuộc khủng hoảng tài chính 2007–08, Sprecher đã thành lập ICE Clear Credit, đóng vai trò là cơ quan thanh toán bù trừ cho các hợp đồng hoán đổi nợ xấu, các công cụ phái sinh trên thị trường phi tập trung (OTC) và cung cấp các dịch vụ quản lý rủi ro quan trọng cho thị trường. Vào tháng 3 năm 2009, ICE Clear Credit được Cục Dự trữ Liên bang thành lập và phê duyệt với tư cách là một ngân hàng và hai năm sau, được chỉ định là cơ quan thanh toán bù trừ và được quản lý bởi CFTC và SEC. ICE là công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ thanh toán bù trừ trên thị trường phái sinh tín dụng và năng lượng OTC.

Sàn giao dịch liên lục địa ICE

Đến năm 2013, ICE đã mua công ty NYSE Euronext trong một thỏa thuận được công bố vào cuối năm 2012, đây là công ty mẹ của sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Công ty đã tách khỏi bên điều hành sàn giao dịch chứng khoán châu Âu có trụ sở tại Paris vào tháng 6 năm 2014 nhưng vẫn giữ quyền sở hữu NYSE. Việc điện tử hóa các giao dịch đã làm giảm gánh nặng cho các giao dịch tại sàn và hệ thống giao dịch mở của NYSE. Kể từ khi mua lại, ICE đã vận hành hai trụ sở công ty ở Hoa Kỳ đó là Atlanta và thành phố New York.

Trong các năm tiếp theo, ICE liên tục mua lại Interactive Data Corporation (IDC) năm 2015, Standard & Poor’s Securities Evaluations, Inc. năm 2016, Virtu BondPoint năm 2017, Chicago Stock Exchange (CHX) năm 2018 và Simplifile, LC năm 2019. Quá trình mở rộng gần đây nhất của ICE được tiếp tục với việc mua lại Ellie Mae vào năm 2020 và Black Knight vào năm 2022

Vào tháng 6 năm 2016, công ty đã ra mắt Dịch vụ dữ liệu ICE, tập hợp các giải pháp dữ liệu giao dịch, định giá, phân tích và kết nối độc quyền trên các sàn giao dịch của mình và cung cấp các công cụ giao dịch và máy tính để bàn phục vụ nhiều khách hàng của mình hơn. Dữ liệu khách hàng này bao gồm các tổ chức tài chính, nhà quản lí tài sản và nhà đầu tư cá nhân.

ICE là nơi duy nhất cung cấp các thị trường điện tử hợp nhất cho việc giao dịch các sản phẩm năng lượng ở cả thị trường Futures và OTC, kết nối người mua và người bán trên toàn thế giới, giao dịch sản phẩm phái sinh và các hợp đồng hàng hóa năng lượng. Bên cạnh đó, hình thức giao dịch trực tuyến các sản phẩm phái sinh hàng hóa trên sàn hàng hóa ICE làm tăng khả năng tham gia và tính minh bạch của các thị trường, tăng cường tốc độ cũng như chất lượng các giao dịch

Đến nay, ICE đã phát triển và ngày càng trở nên đa dạng kể từ khi thành lập vào năm 2000. Đây là tập đoàn giao dịch hàng hóa lớn thứ hai trên thế giới sau Tập đoàn CME. ICE sở hữu 23 sàn giao dịch theo quy định, 6 trung tâm thanh toán bù trừ trên toàn thế giới, trong đó có Ủy ban thương mại Chicago và Sàn giao dịch hàng hóa New York.

Các sản phẩm giao dịch trên sàn ICE

Sàn giao dịch liên lục địa đã đi đầu trong thị trường trao đổi hàng hóa kể từ khi thành lập. Mạng ICE cung cấp cho các công ty khả năng giao dịch các hàng hóa về năng lượng với công ty khác cả ngày lẫn đêm và mở rộng ra toàn cầu. Nó cũng tạo điều kiện cho việc giao dịch các sản phẩm ngoại hối và lãi suất, bao gồm các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng. Các sản phẩm tại Sở giao dịch liên lục địa ICE bao gồm: Năng lượng; Nông nghiệp và nguyên liệu công nghiệp; Lãi suất; Khí thải; và các công cụ phái sinh.

Các loại hàng hóa tại ICE được tổ chức giao dịch tại 2 sàn chính là ICE EU và ICE US

  • ICE US chủ yếu giao dịch các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn hàng hóa về Bông, Cacao, Cà phê Arabica và Đường thô
  • ICE EU cung cấp các hợp đồng chủ yếu về năng lượng như Dầu thô Brent, Dầu ít lưu huỳnh. ICE Futures Europe hiện là nơi có 50% giao dịch hợp đồng dầu thô và tinh chế trên thế giới. Ngoài ra, sàn ICE EU còn có các hàng hóa nông nghiệp và nguyên liệu khác như: Cà phê Robusta, Đường trắng và thức ăn chăn nuôi.

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) liên thông với Sàn ICE

Nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch hàng hóa của các nhà sản xuất và đầu tư trong nước, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) đã liên thông với Sàn Giao dịch liên lục địa (ICE), cung cấp những sản phẩm tài chính đa dạng. MXV hiện đã liên thông với 3 sàn giao dịch lớn của ICE:

  • ICE US: Cà phê Arabica, Cacao, Đường thô 11, Bông
  • ICE EU: Cà phê Robusta, Đường trắng, Dầu thô Brent, Dầu ít lưu huỳnh
  • ICE Singapore: Dầu thô Brent mini

Thời gian giao dịch của một số mặt hàng trên sàn ICE tại Việt Nam

STTHàng hóaNhóm hàng hóaSở Giao dịchThời gian giao dịch
1Cà phê RobustaNguyên liệu công nghiệpICE EUThứ 2 – Thứ 6: 15:00 – 23:30
2Cà phê ArabicaNguyên liệu công nghiệpICE USThứ 2 – Thứ 6: 15:15 – 00:30 (ngày hôm sau)
3CacaoNguyên liệu công nghiệpICE USThứ 2 – Thứ 6: 15:45 – 00:30 (ngày hôm sau)
4Đường thô 11Nguyên liệu công nghiệpICE USThứ 2 – Thứ 6: 14:30 – 00:00 (ngày hôm sau)
5Đường trắngNguyên liệu công nghiệpICE EUThứ 2 – Thứ 6: 14:45 – 00:00 (ngày hôm sau)
6BôngNguyên liệu công nghiệpICE USThứ 2 – Thứ 6: 08:00 – 01:20 (ngày hôm sau)
7Dầu thô BrentNăng lượngICE EUThứ 2 – Thứ 6: 07:00 – 05:00 (ngày hôm sau)
8Dầu thô Brent miniNăng lượngICE SGThứ 2 – Thứ 6: 07:00 – 05:00 (ngày hôm sau)
9Dầu Ít Lưu HuỳnhNăng lượngICE EUThứ 2 – Thứ 6: 07:00 – 05:00 (ngày hôm sau)

*Lưu ý: Giờ giao dịch mùa đông sẽ lùi lại 1 tiếng so với giờ mùa hè

Qua những thông tin trên, chúng ta có thể thấy ICE là sàn giao dịch lớn, cung cấp cho nhà đầu tư những công cụ tài chính đa dạng, qua đó giúp phát triển thị trường tài chính cũng như thị trường hàng hóa.

Quay lại

Bài viết liên quan

Sàn giao dịch hàng hóa Chicago – CME
05/07/2024
Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME) là một trong những sàn giao dịch hàng hóa và...
CME Group – Tập đoàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới
03/06/2024
CME Group là một công ty tài chính toàn cầu chuyên về các sản phẩm phái sinh,...
Tầm quan trọng của quản lí vốn trong đầu tư
24/05/2024
Trong thế giới đầu tư đầy rẫy biến động và rủi ro, việc quản lý vốn...