Đóng cửa hôm qua ngày 24/10, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Tuy nhiên, lực bán vẫn cho thấy sự áp đảo, kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,55% xuống 2.229 điểm, nối dài đà suy yếu sang ngày thứ 3 liên tiếp. Mặc dù vậy, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với ngày trước đó.
Kết thúc ngày giao dịch 24/10, giá dầu ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp, về mức thấp nhất trong gần hai tuần qua. MXV cho biết dữ liệu kinh tế kém sắc tại các quốc gia phát triển hàng đầu Châu u làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng khu vực làm triển vọng tiêu thụ dầu trở nên kém tích cực, từ đó gây áp lực lên giá. Cùng với đó, việc tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột giữa Israel và Hamas cũng góp phần xoa dịu mối lo nguồn cung dầu gián đoạn.
Cụ thể, giá dầu WTI giảm 2,05% xuống 83,74 USD/thùng. Như vậy, sau hai phiên đầu tuần, dầu WTI đã đánh mất 5 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên ngày hôm qua ở mức 88,07 USD/thùng, giảm 1,96%
Hoạt động kinh doanh tại khu vực Châu u (EU) duy trì đà thu hẹp trong tháng đầu tiên của quý IV/2023. Theo S&P Global, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) đạt mức 46,5 điểm, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 47,4 điểm và mức 47,2 điểm trong tháng 9/2023. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số nằm dưới ngưỡng 50 điểm, biểu thị hoạt động kinh doanh sản xuất của khu vực bị thu hẹp.
PMI tổng hợp của Đức trong tháng 10/2023 cũng đạt mức 45,8 điểm, thấp hơn dự báo ở mức 46,7 điểm. Trong đó, chỉ số PMI sản xuất chỉ đạt mức 40,7 điểm, liên tục dưới ngưỡng 50 kể từ tháng 6/2022.
Các dữ liệu kinh tế kém tích cực của EU phản ánh sức ép tăng trưởng, từ đó tăng lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu thô và gây sức ép tới giá dầu trong phiên.
Ngược lại với châu Âu, dữ liệu của Mỹ cho thấy hoạt động kinh doanh tăng cao hơn trong tháng 10 khi ngành sản xuất thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài 5 tháng. Điều này đã củng cố cho đà tăng mạnh của đồng USD và khiến dầu được định giá bằng đồng Dollar Mỹ đắt đỏ hơn, thúc đẩy lực bán trên thị trường. Chốt hôm qua 24/10, chỉ số Dollar Index đã tăng tới 0,7% so với ngày đầu tuần.
Về yếu tố cung cầu, Bloomberg ước tính có khoảng 3,53 triệu thùng dầu thô/ngày được vận chuyển từ các cảng của Nga trong tuần tính đến ngày 22/10, tăng 20.000 thùng/ngày so với 7 ngày trước đó. Điều này đã nâng mức xuất khẩu trung bình 4 tuần của Nga lên hơn lên 3,5 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 6 và tăng khoảng 610.000 thùng/ngày trong hai tháng qua.
Xuất khẩu dầu của Nga tăng bất chấp tuyên bố cắt giảm nguồn cung, khiến thị trường hoài nghi về mức độ cam kết. Điều này đã kéo giá dầu tiếp tục suy yếu. Trước đó, Nga tuyên bố duy trì cắt giảm 300.000 thùng/ngày lượng dầu xuất khẩu kể từ tháng 7 cho đến cuối năm nay.
Đóng cửa ngày giao dịch 24/10, với mức giảm 1,27%, giá ngô hợp đồng tháng 12 ghi nhận chuỗi 3 ngày suy yếu liên tiếp. MXV cho biết trong bối cảnh tình hình mùa vụ của Mỹ đang tương đối thuận lợi và hoạt động xuất khẩu của Brazil được đẩy mạnh, lực bán đã hoàn toàn chiếm ưu thế trong suốt ngày giao dịch.
Trong báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) hôm qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết tới ngày 22/10, nước này đã thu hoạch 59% diện tích ngô, tăng 14 điểm phần trăm so với một tuần trước đó. Tiến độ thu hoạch năm nay tương đương với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn so với mức trung bình 5 năm cho thấy mùa vụ ở Mỹ đang diễn ra khá thuận lợi.
Tại Brazil, theo dữ liệu từ Ban Thư ký Ngoại thương (Secex), nước này đã xuất khẩu 5,89 triệu tấn ngô trong ba tuần đầu tháng 10 năm nay, thấp hơn so với mức 6,79 triệu tấn của cả tháng 10 năm ngoái. Tuy vậy, mỗi ngày Brazil xuất khẩu 420.958 tấn ngô, tăng 17,9% so với lượng xuất khẩu trung bình hàng ngày trong cả tháng 10/2022. Secex đánh giá Brazil vẫn đang đẩy mạnh xuất khẩu ngô nhờ vụ thu hoạch kỷ lục trong năm nay.
Tương tự ngô, giá lúa mì hợp đồng tháng 12 cũng suy yếu và đóng cửa với mức giảm 1,15%. Triển vọng mùa vụ tích cực hơn ở các nước sản xuất lớn là yếu tố chính gây sức ép lên giá. Tuy nhiên, nhờ lực mua kỹ thuật của thị trường vào cuối phiên tối, đà giảm của giá lúa mì đã phần nào thu hẹp.
Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario (BCR) cho biết lượng mưa đáng kể ở vùng nông nghiệp trọng điểm của Argentina đã hỗ trợ cần thiết cho mùa màng. Trong vòng 72 giờ qua, các khu vực ghi nhận lượng mưa từ 25 – 90mm, làm tăng độ ẩm đất cũng như cải thiện tình trạng cây trồng. BCR lưu ý rằng trước đó có tới 90% diện tích đất nông nghiệp của Argentina nằm trong vùng ảnh hưởng của hạn hán khiến cơ quan này phải cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 23/24. Những cơn mưa gần đây là tín hiệu tích cực, đem lại hy vọng về một vụ thu hoạch tốt hơn.